Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 7/3 phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 6 năm nay, đồng thời hạ dự báo lạm phát cả năm, cho rằng tốc độ tăng giá tiêu dùng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ giảm về mục tiêu 2% vào năm 2025.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, ECB giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao kỷ lục 4%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ eurozone hạ dự báo lạm phát năm 2024 về 2,7% từ mức 2,3% đưa ra trong lần dự báo trước. Dự báo lạm phát của năm 2025 cũng được cắt giảm. Động thái này có thể “dọn đường” để ECB bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
“Chúng tôi đang đạt được bước tiến tích cực tới mục tiêu lạm phát, và nhờ vậy chúng tôi tự tin hơn. Nhưng chúng tôi chưa có đủ sự tự tin, mà cần có thêm bằng chứng và thêm dữ liệu kinh tế (để có thể đưa ra quyết định giảm lãi suất). Trong tháng 4, chúng tôi sẽ có thêm một chút thông tin, nhưng đến tháng 6 chúng tôi sẽ biết thêm nhiều”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo.
Bà Lagarde bác bỏ quan điểm cho rằng ECB “không vội vã” trong việc cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, bà nói rằng hội đồng thống đốc “đã bắt đầu bàn đến việc giảm bớt lập trường thắt chặt”, dù cuộc họp này của ECB chưa thảo luận về việc có giảm lãi suất ngay hay không.
Trao đổi với tờ Financial Times, nhà kinh tế Carsten Brzeski thuộc ngân hàng Hà Lan ING nhận định: “Thông điệp lần này của bà Lagarde là rất rõ ràng, cho thấy họ tính giảm lãi suất vào tháng 6. Vấn đề bây giờ là họ sẽ giảm lãi suất nhanh như thế nào sau khi bắt đầu”.
Cuộc họp này cũng đánh dấu lần thứ tư liên tiếp ECB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế eurozone năm 2024, cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực chỉ tăng 0,6% trong năm nay, từ mức tăng 0,8% đưa ra trong lần dự báo trước. Các dự báo của ECB về tăng trưởng kinh tế và lạm phát được cập nhật hàng quý.
Dù kinh tế giảm tốc, một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong ECB đã bày tỏ lo ngại rằng tiền lương tăng nhanh có thể sẽ khiến cho lạm phát giữ trên mục tiêu 2%, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ vốn có hàm lượng nhân công cao. Phản ánh mối lo này, ECB dự báo lạm phát lõi - thước đo không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng có nhiều biến động là năng lượng và thực phẩm - sẽ ở mức 2,6% trong năm nay, chỉ thấp hơn một chút so với con số 2,7% đưa ra trong lần dự báo trước.
Bà Lagarde cho biết ECB đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tiền lương và biên lợi nhuận để đi đến “xác nhận về những gì mà chúng tôi đang bắt đầu chứng kiến, tức là sự suy yếu của tiền lương và việc biên lợi nhuận hấp thụ chi phí nhân công”. “Tôi mong là mọi thứ đã tới gần mục tiêu của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu. Dù vậy, tôi không nói là chúng tôi sẽ đợi cho tới khi đạt mục tiêu 2%” mới bắt đầu giảm lãi suất - vị Chủ tịch nói.
Chuyên gia Ann-Katrin Petersen thuộc Viện đầu tư BlackRock nhận định lạm phát ở eurozone có thể đủ dai dẳng để ECB không quay lại với chính sách lãi suất âm như cách đây 2 năm. “Với thị trường lao động vẫn còn thắt chặt và năng suất tăng trưởng yếu, áp lực giá cả có thể giữ lạm phát ở mức gần hoặc cao hơn 2%”, bà Petersen nhấn mạnh.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp diễn ra sau 2 tuần nữa. Thị trường tài chính đang đặt cược nhiều vào khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.
Từ đầu năm đến nay, việc lạm phát tiếp tục giảm nhưng giảm chậm đã khiến nhà đầu tư dịch chuyển đặt cược vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương lớn có thể bắt đầu hạ lãi suất. Lúc đầu, họ tin việc giảm lãi suất sẽ diễn ra vào mùa xuân, nhưng hiện tại, các kỳ vọng đó đã dịch chuyển sang mùa hè.
Điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ ngày 7/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ngân hàng trung ương này “không còn cách xa” tới chỗ có đủ sự tự tin để cắt giảm lãi suất từ mức 5,25-5,5% hiện nay - mức lãi suất cao nhất 23 năm của Fed.
Nền kinh tế eurozone đã rơi vào tình trạng trì trệ trong phần lớn thời gian của năm ngoái và đến nay vẫn phục hồi chậm chạp hơn so với các nền kinh tế phát triển khác, nhất là Mỹ, sau cú sốc kép đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine.
Lạm phát ở eurozone đã giảm nhanh từ mức đỉnh trên 10% vào tháng 10/2022 xuống còn 2,6% trong tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ đã giảm chậm hơn, từ mức kỷ lục hàng năm là 5,6% vào tháng 7 năm ngoái xuống còn 3,9% vào tháng 2. Bà Lagarde cho biết dịch vụ là một bộ phận của nền kinh tế mà lạm phát tỏ ra “cứng đầu” hơn cả.