Tại kỳ họp lưỡng hội gồm Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân khóa 14 và kỳ họp Quốc hội khóa 14 diễn ra tuần này, Trung Quốc dự kiến đưa ra thêm nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, nằm trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Kỳ họp diễn ra giữa lúc xuất hiện những tranh cãi về tình trạng phát triển công nghệ cũng như thách thức “bẫy công nghệ trung bình” mà quốc gia này đang đối mặt.
“Bẫy công nghệ trung bình” là tình huống mà ở đó các quốc gia đang phát triển ban đầu được hưởng lợi từ sự dịch chuyển trong năng lực công nghệ nhờ các lợi thế chi phí thấp, nhưng lại đối mặt nguy cơ trì trệ trong dài hạn khi chật vật đuổi theo các quốc gia có nền công nghệ phát triển hơn.
Trình độ công nghệ ở mức trung bình
Theo ông Zheng Yongnian, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc, rất khó để đạt được những tiến bộ kinh tế chất lượng cao nếu không có cải tiến công nghệ.
Trong một bài viết cho tập san của Học viện Khoa học Trung Quốc năm ngoái, ông Yongnian nhận định Trung Quốc hiện được xếp hạng 4-7 trên thang điểm 10 về phát triển công nghệ và cần tìm giải pháp để nâng hạng lên mức từ 8 trở lên.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, quan điểm của ông Zheng châm ngòi cho một cuộc tranh luận nảy lửa ở Trung Quốc về vấn đề này. Phe ủng hộ cho rằng thực tế khách quan cho thấy đang có khoảng cách đáng kể về tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và của phương Tây. Nhưng những người phản đối nói rằng khái niệm “bẫy công nghệ trung bình” không phản ánh chính xác trạng thái hiện tại của Trung Quốc bởi nước này đã vượt qua Mỹ ở một số khía cạnh.
Một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng trước cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này. Tác giả Jiang Chuanhai, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc nên xây dựng “các động lực năng suất mới”, đồng thời cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tụt hậu trong “4 nền tảng”, bao gồm vật liệu cơ bản quan trọng, linh kiện cốt lõi, quy trình cơ bản tiên tiến và nền tảng công nghệ công nghiệp.
“Chúng ta nên giải quyết những chênh lệch về công nghệ ở ‘4 nền tảng’, tăng cường chuyên môn công nghệ ở những lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, thanh toán di động và kinh tế số; đồng thời ưu tiên phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo”, bài báo viết. “Chúng ta cũng nên thúc đẩy các mối hợp tác quốc tế chất lượng, cải thiện danh tiếng ‘Made in China’ (Sản xuất tại Trung Quốc), đồng thời nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghiệp và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu”.
Theo ông Liu Shaoshan, giám đốc tại Viện Trí tuệ nhân tạo và Robot cho Xã hội Thẩm Quyến, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế chóng mặt trong vài thập kỷ qua chủ yếu nhờ những sáng tạo công nghệ từ các nền kinh tế phát triển. Giờ đây, các quốc gia khác cũng đang đi theo chiến lược tương tự, đó là ban đầu tận dụng công nghệ của nước khác để làm giàu, rồi sau đó chuyển sang tập trung vào công cuộc đổi mới sáng tạo trong nước.
Ông Liu tin rằng Trung Quốc không thiếu khả năng để đổi mới sáng tạo.
“Trung Quốc từng tập trung nhiều vào việc giành ‘miếng bánh’ lớn hơn, thay vì chú trọng việc tự tạo ra lớp kem. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra nhiều công nghệ mới trong 5-10 năm tới”, ông nhận xét.
Vẫn phụ thuộc vào công nghệ cao của nước ngoài
Còn ở thời điểm hiện tại, kể cả trong những lĩnh vực mà Trung Quốc đi đầu như xe điện, nước này vẫn cần tới công nghệ nước ngoài.
Một kỹ sư ô tô giấu tên cho biết Trung Quốc hiện chủ yếu phát triển các giải pháp trong nước trong những lĩnh vực quan trọng của hoạt động sản xuất ô tô như pin xe điện, hệ thống lái điện và hệ thống kiểm soát điện tử. Tuy nhiên, về phần mềm mô phỏng số - cho phép tạo ra một phiên bản số của ô tô vật lý trước khi chuyển sang phát triển dòng xe, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thường dùng phần mềm do công ty Pháp Dassault Systèmes.
Theo giáo sư Zhao Junbo của Viện Phần mềm Máy tính thuộc Đại học Chiết Giang, Trung Quốc cũng đang đi sau Mỹ về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI). Dẫn việc ra mắt phiên bản phần mềm chuyển từ văn bản sang video Sora của công ty Mỹ OpenAI, ông cho rằng, không giống như phần mềm liên quan ngôn ngữ ChatGPT, để theo kịp công nghệ tạo video đặc biệt khó.
“Mã nguồn mở cửa phần mềm liên quan ngôn ngữ LlaMA do Metal phát triển là nguồn cảm hứng để nhiều công ty phát triển ứng dụng tương tự ChatGPT, công nghệ đằng sau Sora rất khác. Dù có sẵn mã nguồn, không dễ để phát triển các ứng dụng chuyển từ văn bản sang video tương tự Sora”, ông Zhao phân tích trong bài báo đăng tải trên trang tin The Paper.
“Trong môi trường phát triển công nghệ hiện đại, đã qua rồi cái thời chiến đấu một mình hoặc chỉ dựa vào một anh hùng. Điều quan trọng là có đủ nhân tài, tích lũy năng lực máy tính và dữ liệu, cũng như bồi đắp nền tảng theo thời gian”, ông viết
Nói về khái niệm “bẫy công nghệ trung bình”, nhiều người vẫn tỏ ra ngoài nghi. Ông Wang Yanbo, phó giáo sư về chiến lược và đổi mới tại Đại học Hồng Kông nhận định “khái niệm này có vẻ chỉ đúng ở bề nổi".
“Thay vì chỉ tập trung vào các giai đoạn phát triển công nghệ, các học giả và nhà hoạch định chính sách nên chú ý hơn các cơ chế đang tạo thuận lợi hay kìm hãm sự phát triển năng lực khoa học và công nghệ của đất nước”, ông Wang nói. “Để thực sự nâng cao năng lực công nghệ, các quốc gia phải tham gia vào cộng đồng toàn cầu, trao đổi tri thức, hợp tác và tham gia vào hoạt động sản xuất và thương mại hóa tri thức”.
Theo ông, việc “tự cung tự cấp” không phải là con đường khả thi để phát triển công nghệ trong thế giới hiện đại. Vị giáo sư dẫn sự sụp đổ của Liên Xô – quốc gia cố gắng phát triển ngành công nghiệp máy tính và sản xuất chip trong suốt 2 thập kỷ trước khi sụp đổ. Ông cũng dẫn thêm ví dụ rằng các doanh nghiệp Nhật Bản cũng thất bại trong hành trình vươn lên dẫn đầu thế giới về công nghệ sau khi bị từ chối tiếp cận các công nghệ của Mỹ.
“Xác định cách thức hợp tác với cộng đồng toàn cầu, tận dụng tri thức từ những nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ, cũng như tiếp cận các tài sản nằm ngoài biên giới là yếu tố then chốt để vượt qua bẫy công nghệ trung bình”, giáo sư Wang nhận định.
Ông Gong Tao, người sáng lập công ty công nghệ Qibo Robot ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, cũng hoài nghi về khái niệm trên.
Dẫn việc Mỹ, Nhật và Mỹ được xem là có nền khoa học công nghệ tiên tiến, ông Gen cho rằng những nước này đi đầu ở một số lĩnh vực nhất định và có lợi thế cạnh tranh riêng. Dù vẫn đi sau trong một số lĩnh vực quan trọng như sản xuất bán dẫn công nghệ cao, nhưng Trung Quốc hiện dẫn đầu về các công nghệ như xe điện và một số loại thiết bị y tế.
“Bẫy thu nhập trung bình chủ yếu đo lường và so sánh các số kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực. Còn lĩnh vực công nghệ có rất nhiều khía cạnh và danh mục, do đó nên khó có thể được gộp chung. Ví dụ, công nghệ có thể được chia thành cao cấp hoặc thấp cấp, lĩnh vực truyền thống hoặc lĩnh vực mới nổi”, ông phân tích.