Trong tuần vừa qua, 20 quốc gia thành viên EU đã kêu gọi khối này ban hành quy định mới về dán nhãn mật ong, cũng như tăng cường năng lực kiểm tra phát hiện các sản phẩm không đạt chuẩn.
Động thái này được đưa ra sau khi một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu cho thấy tình trạng "mật ong pha trộn" đang gia tăng. Gần một nửa số sản phẩm được khảo sát vi phạm quy định EU vì pha thêm đường, nước và chất tạo màu trái quy định.
“Chúng về cơ bản là nước đường”, một quan chức EU phàn nàn, theo Financial Times.
Do các sản phẩm nhập khẩu có giá thành thấp hơn sản phẩm từ châu Âu, những người nuôi ong trên khắp lục địa già cho rằng tình trạng trên sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp nhỏ, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, cũng như khiến ngành nuôi ong dần mai một - điều gây ra nguy cơ với vai trò của ong với môi trường.
“Có sự cạnh tranh không công bằng từ bên ngoài EU, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Yvan Hennion, một người nuôi sở hữu khoảng 300 tổ ong tại Halluin, miền Bắc nước Pháp, nói. “Đó không phải mật ong thật và đang khiến giá thành đi xuống”.
Sản phẩm kém chất lượng
Trên thị trường EU hiện nay, khoảng bốn trên năm sản phẩm mật ong được bày bán tại siêu thị - tính cả sản phẩm nội khối lẫn nhập khẩu - là hàng pha tạp. Hồi tháng 1, Slovenia từng đề nghị nhãn sản phẩm phải có tên tất cả quốc gia xuất xứ - cũng như tỷ lệ chi tiết - của từng thành phần.
Slovenia cũng mong muốn Ủy ban châu Âu tăng số phòng thí nghiệm có chức năng phát hiện mật ong pha trộn.
“Chúng tôi mong (các sản phẩm) có thể được truy xuất nguồn gốc, cũng như hy vọng mật ong trái quy tắc sẽ không còn có thể tồn tại”, một quan chức tuyên bố.
Bất chấp những lời kêu gọi, EU vẫn phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu người dân. Mỗi năm, khối này nhập khẩu khoảng 175.000 tấn mật ong - không thua nhiều so với con số 218.000 tấn được sản xuất trong khối. Nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Mỹ Latinh.
Một nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2021-2022 cho thấy 46% mẫu mật ong được khảo sát vi phạm quy định của EU - tăng mạnh so với tỷ lệ 14% trong giai đoạn 2015-2017. Trong số 123 công ty được đánh giá, khoảng 70 cơ sở có xuất khẩu mật ong bị nghi pha đường.
Các công ty này không chỉ đến từ bên ngoài châu Âu: Tất cả doanh nghiệp Anh được khảo sát đã xuất khẩu ít nhất một hũ mật ong bị nghi không đạt chuẩn EU vào khối này. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là kết quả từ việc mật ong từ nhiều quốc gia được đóng gói ở Anh.
Ông Hennion cho biết dù doanh số bán hàng từ cơ sở của ông vẫn tăng, giá thành mà các nhà bán buôn trả ông đang có xu hướng giảm trong những năm qua. Ông chỉ bán với mức giá thấp nhất là 3,5 euro (khoảng 3.9 USD)/kg mật ong, nhưng mật ong nhập khẩu có thể có giá chưa đầy 1 euro (khoảng 1,1 USD)/kg.
Ông Hennion cho rằng điều này có thể gây tổn hại cho cả ngành công nghiệp nuôi ong. “Mọi thứ gắn liền với nhau”, ông nói.
Tương lai bấp bênh
Ông Stanislav Jaš, một người nuôi ong tại Phần Lan, nói rằng ông đã phải bán mật ong trực tiếp cho khách hàng - thay vì qua đơn vị bán buôn - khi giá thành giảm.
Trong khi tỏ ra “hạnh phúc” trước đề nghị của giới chức EU, ông Jaš - người cũng là thành viên của Copa and Cogeca, một tổ chức vận động vì quyền lợi của nông dân châu Âu - cho rằng văn bản này vẫn “thiếu tham vọng” đối phó với hàng kém chất lượng và hỗ trợ nông dân.
“Chúng tôi sẽ làm việc với Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để cải thiện bản đề xuất”, ông nói thêm.
Cả hai người nuôi ong ở Pháp và Phần Lan đều cho rằng ngành công nghiệp nuôi ong có vai trò quan trọng với cả môi trường lẫn nông nghiệp nói chung do ong tham gia vào quá trình thụ phấn của thực vật.
Theo số liệu của EU, các tác nhân thụ phấn - bao gồm ong mật - đóng góp 22 tỷ euro (khoảng 24,4 tỷ USD) mỗi năm cho ngành nông nghiệp của khối. Khoảng 80% hoa màu và cây trồng dại tại lục địa châu Âu được thụ phấn bằng cách này.
Tuy nhiên, các con số trên đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuốc trừ sâu, ô nhiễm và một số nhân tố khác. EU mong muốn đảo ngược xu hướng này vào năm 2030.
Ông Hennion tự nhận mình là một người nuôi ong theo kiểu “du mục”. Ông thường xuyên mang đàn ong của mình đi khắp nước Pháp để đảm bảo chúng có thể hút được mật từ cây cải dầu.
Dù vậy, ông Aapo Savo - một người đóng gói mật ong tại Phần Lan - cho rằng phương thức này có thể dần biến mất nếu giá thành vẫn thấp.
“Tương lai ngành nuôi ong chuyên nghiệp tại châu Âu sẽ ra sao”, ông Savo nói. “Việc sản xuất mật ong sẽ ngày một khó. Tôi không nghĩ ngành này có thể trụ lại”.