Đã hoàn thành di dời 58/77 điểm giao chéo
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có tổng chiều dài 652,86km được chia thành 11 dự án thành phần. Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km đã đưa vào khai thác. Dự kiến, trong năm 2022 có 4 dự án hoàn thành vào tháng 12: Mai Sơn - QL45 (dài 63,4km), Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8km); Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km. Các dự án này có có hàng chục điểm giao chéo đường dây truyền tải cần di dời.
Ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết: Nhận thức tầm quan trọng của dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân. Do đó, ngay thời gian đầu triển khai dự án cao tốc, EVNNPT đã phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các bên liên quan đi khảo sát để xác định mức độ ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải khi triển khai dự án, thực hiện kiểm đếm từng vị trí cột điện, đường dây cần phải di dời để triển khai dự án.
Đồng thời EVNNPT cũng đã tham gia góp ý các hồ sơ thiết kế di dời lưới điện, góp ý phương án thi công, đăng ký cắt điện, hỗ trợ giám sát thi công, tham gia tổ chức nghiệm thu đóng điện vận hành và cập nhật khối lượng tài sản theo hình thức đền bù không hoàn lại…với các Trung tâm phát triển quỹ đất, các Ban Quản lý dự án giao thông, đơn vị thi công trong quá trình thực hiện di dời.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVNNPT, việc cải tạo di dời các vị trí cột điện này phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Điện lực, nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện, các quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các quy định Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải…vì vậy các công tác lập thiết kế, thẩm định thiết kế phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện việc cải tạo di dời các vị trí cột điện giao chéo này thuộc chi phí của dự án đường cao tốc Bắc - Nam, công tác quản lý chi phí và triển khai thực hiện được UBND các tỉnh giao cho các huyện, thành phố và trực tiếp là các Trung tâm phát triển quỹ đất triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công. Do vậy, tiến độ của dự án, tiến độ cải tạo, di dời các trụ điện giao chéo với đường cao tốc phụ thuộc vào việc bố trí quỹ đất các vị trí móng cột điện, cũng như việc lập và thực hiện các phương án, biện pháp tổ chức thi công của nhà thầu khi thi công cải tạo di dời các vị trí cột điện truyền tải này.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thủ tục, chi phí, song EVNNPT đã chỉ đạo các Công ty Truyền tải điện phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan giải quyết hết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án liên quan trách nhiệm của EVNNPT, với mục đích để đảm bảo tiến độ cho công tác cải tạo di dời các trụ điện truyền tải này. Với sự vào cuộc quyết liệt đó, các đơn vị thuộc EVNNPT đã hoàn thành di dời được 58/77 điểm giao chéo, hiện còn 19 điểm giao chéo chưa di dời xong.
Cụ thể, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay còn 9 điểm giao chéo. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 8 vị trí (03 vị trí giao chéo đường dây 500kV và 05 vị trí giao chéo đường dây 220kV) trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã được EVNNPT thỏa thuận tại văn bản 2485/EVNNPT-KT ngày 06/7/2022. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xong và đang trong quá trình thương thảo hợp đồng. 01 vị trí giao chéo đường dây 220kV trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để thỏa thuận với EVNNPT.
Đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết còn 04 vị trí giao chéo, trong đó 3 vị trí đang được các nhà thầu thi công, 1 vị trí chủ đầu tư đang làm thủ tục để thi công. Đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, còn 06 vị trí giao chéo, trong đó có 3 vị trí nhà thầu đang thi công, 3 vị trí chủ đầu tư đang làm thủ tục để thi công.
Tập trung xử lý 19 điểm giao chéo còn lại.
Theo ông Lưu Việt Tiến, đến thời điểm này, các cung đoạn gồm Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết-Dầu Giây (Bình Thuận, Đồng Nai) còn 19 điểm giao chéo cần xử lý để kịp tiến độ dự án theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại lễ phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây” ngày 10/09/2022 vừa qua.
Để các cung đoạn đường bộ cao tốc trên có đủ điều kiện thông xe trước ngày 31/12/2022, ngày 15/9/2022, EVNNPT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo các huyện trực thuộc có điểm giao chéo với đường dây truyền tải đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thi công đồng bộ với tiến độ của dự án. Đối với vị trí đang thi công cần đôn đốc nhà thầu xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công các điểm giao chéo.
Hiện nay thời tiết nắng nóng, các đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV trong khu vực luôn vận hành với tình trạng đầy tải. Để đảm bảo vận hành an toàn liên tục lưới điện, EVNNPT đề nghị chủ đầu tư các dự án cao tốc chỉ đạo các đơn vị thi công đồng bộ các điểm giao chéo đường cao tốc trên cùng một đường dây truyền tải điện để đăng ký cắt điện 1 lần khi thi công di dời các đường dây truyền tải điện.
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến cho biết: Trong giai đoạn gấp rút từ nay đến tháng 12/2022, EVNNPT yêu cầu các đơn vị cần phải tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị nhà thầu thi công, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình thực hiện thi công tại các điểm giao chéo với đường dây truyền tải. Đồng thời, bố trí lực lượng cán bộ công nhân viên tham gia nghiệm thu công trình di dời đường dây… nhằm hoàn thành các dự án kịp tiến độ và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, bảo đảm an toàn, chất lượng cho hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia.