Theo đó, chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO (FAO Food Index) đạt trung bình 154,2 điểm trong tháng 6, giảm 3,7 điểm tương ứng 2,3% so với hồi tháng 5, chủ yếu nhờ giá các loại dầu thực vật và giá ngũ cốc giảm xuống khi nguồn cung tăng lên.
Tuy nhiên, chỉ số giá lương thực toàn cầu vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 23,1%. Nhà kinh tế trưởng của FAO ông Maximo Torero Cullen nhấn mạnh “Mặc dù giá lương thực đã giảm xuống nhưng mức giá hiện tại vẫn tiệm cận mức cao kỷ lục xác lập hồi tháng 3 vừa qua. Các yếu tố khiến giá lương thực trên toàn cầu vẫn neo ở mức cao gồm nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, thời tiết bất lợi, chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển ở mức cao, sự gián đoạn chuỗi cung ứng dưới tác động của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine”.
Chỉ số giá dầu thực vật trong chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO đã giảm 7,6% trong tháng 6 vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu do giá các loại dầu thực vật được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, gồm dầu cọ, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu hạt cải đã giảm xuống khi nguyên liệu sản xuất các loại dầu này bước vào mùa thu hoạch, giúp nguồn cung tăng mạnh.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Anh) cho thấy giá dầu cọ thô xuất khẩu của Indonesia vào ngày 1/7 đạt 1.180 USD/tấn (giá FOB), giảm 28% so với thời điểm 1/6. Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Dầu cọ đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu sử dụng dầu thực vật trên toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, sản xuất mỹ phẩm và nhiên liệu.
Đồng thời, FAO cũng cho biết việc giá dầu đậu nành và dầu hướng dương tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua đã khiến nhu cầu sử dụng các loại dầu này tại một số khu vực bị thay đổi.
Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 6 đã giảm 4,1% chủ yếu do giá lúa mì và ngô giảm mạnh. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. FAO cho biết giá lúa mì trên thế giới đã giảm 5,7% trong tháng 6 do điều kiện mùa vụ tại Canada và Nga được cải thiện, giúp nâng cao triển vọng sản lượng. Đồng thời, việc giá lúa mì ở mức cao kỷ lục trong thời gian vừa qua đã khiến nhu cầu nhập khẩu lúa mì ở nhiều nơi giảm xuống.
Theo dữ liệu của S&P Global Commodity Insights, giá lúa mì của Canada, Nga và Australia đã giảm từ 7% đến 19% trong tháng 6. Đây là ba quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.
Đối với mặt hàng ngô, FAO cho biết giá ngô thế giới đã giảm 3,5% khi Argentina và Brazil bước vào vụ thu hoạch, giúp nguồn cung ngô tăng lên. Bên cạnh đó, điều kiện mùa vụ tại Hoa Kỳ được cải thiện cũng giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu.
Dữ liệu của S&P Global Commodity Insights cho thấy giá ngô của Brazil, Argentina và Hoa Kỳ đã giảm từ 7% -13% trong tháng 6.
Chỉ số giá đường thế giới của FAO trong tháng 6 vừa qua cũng giảm 2,6% do thị trường lo ngại rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng đường giảm xuống.
Trong khi đó, chỉ số giá sữa và các sản phẩm từ sữa trên thế giới tăng 2,7%, chủ yếu do sản lượng sữa tại châu Âu suy giảm. Chỉ số giá các loại thịt trên thế giới trong tháng 6 tăng tới 4,5% khi nguồn cung thịt toàn cầu tiếp tục rơi vào trạng thái thiếu hụt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine cũng như việc dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số khu vực thuộc Bắc Bán cầu.