Theo Bloomberg, sau một loạt vụ phá sản ngân hàng diễn ra tại Mỹ trong tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đưa ra những dự báo bớt "diều hâu" hơn về lãi suất điều hành.
Các quan chức nhấn mạnh rằng họ vẫn cảnh giác về một cuộc khủng hoảng tín dụng, có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế hơn nữa.
Đây là những thông tin được đưa ra trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed. "Nhiều quan chức lưu ý rằng do tác động tiềm tàng của các sự kiện mới đây trong lĩnh vực ngân hàng đối với nền kinh tế và lạm phát, họ đã hạ thấp đánh giá về mức lãi suất điều hành cần thiết để kìm hãm lạm phát", Bloomberg trích dẫn biên bản cuộc họp.
Bớt diều hâu hơn
Trong cuộc họp tháng trước, các nhà hoạch định chính sách dự báo lãi suất điều hành sẽ đạt trung bình 5,1% trong năm nay, tức tăng thêm 0,25 điểm phần trăm so với mức hiện tại.
Nhưng theo biên bản được công bố hôm 12/4, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về một đợt tăng lãi suất nữa trong cuộc họp chính sách tháng 5. Họ cho rằng cần phải phân tích thêm dữ liệu để đánh giá tác động của tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng đối với nền kinh tế.
Nhiều quan chức lưu ý rằng do tác động tiềm tàng của các sự kiện mới đây trong lĩnh vực ngân hàng đối với nền kinh tế và lạm phát, họ đã hạ thấp đánh giá về mức lãi suất điều hành cần thiết để kìm hãm lạm phát.
Biên bản cuộc họp của Fed
Trên thực tế, trước khi ngành ngân hàng của Mỹ rơi vào khủng hoảng, các dữ liệu kinh tế đều cho thấy lạm phát đã nóng trở lại. Theo biên bản, nhiều quan chức FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - nghiêng về kịch bản tăng lãi suất "cao hơn một chút so với dự báo trước đó".
Nhưng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, các quan chức đã phải cân nhắc lại.
Một số quan chức thậm chí còn cân nhắc xem có nên giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 3 hay không. Bởi động thái này có thể xoa dịu những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, các hành động can thiệp kịp thời của giới chức Mỹ đã giúp giảm bớt căng thẳng trong ngành.
Cuộc họp chính sách của Fed diễn ra chỉ 2 tuần sau vụ sụp đổ của SVB, ngân hàng lớn thứ 17 của Mỹ.
Vụ phá sản đã đẩy Fed vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ buộc phải lựa chọn giữa hạ nhiệt lạm phát và giữ ổn định cho hệ thống tài chính.
Hoạt động tín dụng chậm lại
Theo biên bản cuộc họp, những chương trình khẩn cấp đã hỗ trợ ngành ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng các quan chức Fed dự báo rằng hoạt động cho vay sẽ bị thu hẹp và môi trường tín dụng nói chung vẫn xấu đi.
"Ngay cả với sự can thiệp (của giới chức Mỹ), các quan chức vẫn nhận thấy sự bấp bênh trong những diễn biến tiếp theo của ngành", biên bản nêu.
Các hoạt động cho vay của ngành ngân hàng Mỹ đã sụt giảm 50% trong nửa cuối tháng 3. Tuy nhiên, nhu cầu vay khẩn cấp từ Fed cũng giảm bớt phần nào sau giai đoạn tăng đột biến.
Nhờ đó, các quan chức Fed đã có thể giảm bớt lo ngại về tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng. Tuần trước, ông James Bullard - Chủ tịch Fed St. Louis - khẳng định rằng căng thẳng tài chính đã "giảm bớt", và đây "là thời điểm tốt để tiếp tục chống lạm phát".
Tuần này, ông John Williams - Chủ tịch Fed New York - cho rằng một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp tháng 5 sẽ là "hợp lý".
Theo báo cáo mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 3 và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo lần lượt là 0,2% và 5,1% của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát.
CPI lõi - loại bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động - tăng 0,4% so với tháng 2 và 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sát với dự báo của giới quan sát.