Theo CNBC, biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc đến những rủi ro tiềm tàng từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), cùng tình trạng hỗn loạn của lĩnh vực tài chính kể từ tháng 3.
Ông Michael Barr - Phó chủ tịch Giám sát của Fed - nhấn mạnh ngành ngân hàng vẫn "lành mạnh và chống chịu tốt". Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng.
"Dựa trên đánh giá về tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế từ những diễn biến gần đây của ngành ngân hàng, tại thời điểm diễn ra cuộc họp, các thành viên dự đoán rằng một cuộc suy thoái nhẹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay", biên bản cuộc họp cho biết.
Khủng hoảng ngân hàng
Các quan chức Fed dự đoán tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 0,4%. Dữ liệu của Fed Atlanta cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,2% trong quý đầu tiên. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ suy yếu vào cuối năm nay và thu hẹp mức tăng cả năm.
Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhiều người cho rằng Fed có thể giữ nguyên lãi suất để xoa dịu những căng thẳng trong ngành. Nhưng các quan chức khẳng định ngân hàng trung ương vẫn phải làm nhiều hơn nữa để hạ nhiệt lạm phát.
Dựa trên đánh giá về tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế từ những diễn biến gần đây của ngành ngân hàng, các thành viên dự đoán rằng một cuộc suy thoái nhẹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay
Biên bản cuộc họp của FOMC
Cuối cùng, FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã nhất trí tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng thứ 9 trong vòng một năm qua. Lãi suất liên bang do đó được đưa lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Việc Fed tăng lãi suất diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi SVB - ngân hàng lớn thứ 17 tại Mỹ - sụp đổ sau làn sóng rút tiền gửi. Việc SVB và 2 nhà băng khác phá sản buộc giới chức Mỹ phải đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu tác động dây chuyền.
Biên bản cuộc họp của Fed dự báo "lạm phát cơ bản sẽ giảm mạnh vào năm tới". Nhưng mối lo ngại về nền kinh tế nói chung vẫn còn cao, nhất là các vấn đề của ngành ngân hàng.
Theo biên bản cuộc họp, những chương trình khẩn cấp đã hỗ trợ ngành ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng các quan chức Fed dự báo rằng hoạt động cho vay sẽ bị thu hẹp và môi trường tín dụng nói chung vẫn xấu đi.
"Ngay cả với sự can thiệp (của giới chức Mỹ), các quan chức vẫn nhận thấy sự bấp bênh trong những diễn biến tiếp theo của ngành", biên bản nêu.
Lạm phát hạ nhiệt không đủ nhanh
Trong cuộc họp chính sách tháng 3, một số nhà hoạch định chính sách đã đặt câu hỏi về việc giữ nguyên lãi suất để theo dõi tình hình của cuộc khủng hoảng ngân hàng. Nhưng cuối cùng, FOMC đã nhất trí tiếp tục tăng lãi suất vì "lạm phát leo thang, sức chống chịu tốt của nền kinh tế, và cam kết đưa lạm phát xuống 2%".
Trước khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra, một số thành viên FOMC còn nghiêng về việc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Họ cho rằng lạm phát vẫn quá nóng.
Theo báo cáo mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 3 và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo lần lượt là 0,2% và 5,1% của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát.
CPI lõi - loại bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động - tăng 0,4% so với tháng 2 và 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sát với dự báo của giới quan sát.
Nhưng với nhiều nhà đầu tư, lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt không đủ nhanh. Theo dữ liệu của CME Group, đến nay, các thị trường vẫn định giá khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 là 70,4%. Khả năng cơ quan này giữ nguyên lãi suất chỉ 29,6%.