Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của cơ quan này sau 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm trước đó và dự kiến đây chưa phải lần tăng cuối.
Ông Greg McBride - Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate - cho rằng những tháng tới Fed sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn nhưng cũng sẽ đặt mục tiêu lãi suất cao hơn. Theo ông, điểm sáng trong cuộc chiến chống lạm phát lần này của Fed chính là tỷ lệ thất nghiệp không bị tăng vọt và nền kinh tế hiện chưa rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất nhanh và lạm phát thì giảm chậm đã ảnh hưởng mạnh đến khả năng tài chính của nhiều hộ gia đình.
Vay thế chấp thay cho tín dụng
Lãi suất quỹ liên bang - được thiết lập bởi Fed - là lãi suất mà các ngân hàng đi vay và cho vay lẫn nhau. Chính vì vậy, một khi lãi suất này được nâng lên thì chi phí đi vay của người tiêu dùng cũng sẽ cao hơn.
Hiện tại, điều này khiến nhiều người Mỹ gặp khó khăn khi cả lạm phát và giá cả đều đang tăng với tốc độ chóng mặt khiến họ phải phụ thuộc nhiều vào thẻ tín dụng.
Theo dữ liệu từ Bankrate, tỷ lệ sử dụng tín dụng của người tiêu dùng Mỹ hiện là 19% - tăng từ mức 16,3% vào đầu năm. Ngoài ra, chi phí nợ thẻ tín dụng của toàn nền kinh tế cũng đã tăng ít nhất 22,9 tỷ USD kể từ khi Fed tăng lãi suất, và sẽ tăng thêm 3,2 tỷ USD đối với lần tăng mới nhất này.
Với nhiều bất ổn kinh tế như hiện tại, ông McBride khuyên rằng người tiêu dùng nên thực hiện một số bước để ổn định tình hình tài chính, bao gồm trả nợ thẻ tín dụng và trả các khoản nợ có lãi suất thay đổi nhiều. "Hãy chuyển sang loại thẻ tín dụng có thời hạn 15, 18 hoặc 21 tháng không tính lãi hoặc có lãi suất thấp hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế và bảo vệ khoản tiền tiết kiệm", vị chuyên gia cho biết.
Đối với những người đã có nhà, ông khuyên rằng hãy thử gộp lại và thanh toán các thẻ tín dụng lãi cao bằng cách sử dụng khoản vay thế chấp. Theo ông McBride, mức lãi suất thế chấp luôn luôn thấp hơn tín chấp và ít bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng lãi suất của Fed vì loại lãi suất này gắn liền với Kho bạc Nhà nước. Kể cả lãi thế chấp có tăng thì cũng không quá nhiều như lãi suất tín dụng nên sẽ có lợi cho người tiêu dùng hơn.
Theo ông, đây là thời điểm thích hợp để xác định xem các khoản vay mà bạn chưa thanh toán có thực sự cần thiết hay không, và việc đi vay có phù hợp hay không.
Sử dụng trước khi tiền mất giá
Mặc dù Fed tăng lãi suất liên bang không làm ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi, chúng vẫn có một mối tương quan nhất định.
Lãi suất các tài khoản tiết kiệm tại một số ngân hàng lớn gần đây trung bình đã lên tới 0,24% thay vì mức 0,01% ở thời kỳ đại dịch Covid-19. Tỷ lệ các tài khoản tiết kiệm trực tuyến được mở mới cũng tăng gần 4% trong năm nay - cao hơn nhiều so với mọi năm.
Chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao nhất hiện trả từ 4-5%/năm cho người mua, thậm chí còn có lãi suất tốt hơn nếu khoản tiết kiệm đó lớn.
Tuy nhiên, theo ông McBride, tỷ lệ lạm phát giảm chậm trong khi lãi suất tăng nhanh đang làm cho đồng tiền bị mất sức mua. Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên gửi tiết kiệm vì số tiền khi lấy ra sẽ bị trượt giá nhiều so với việc tiêu dùng hay đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chuẩn bị tinh thần cho mức lãi suất cao hơn trong những tháng tới. Mặc dù lạm phát có giảm bớt và kể cả giá cả có ổn định hơn, thì lãi suất vẫn luôn ở mức cao và khó có thể được cắt giảm cho đến cuối năm sau.
"Fed sẽ tăng lãi suất từ bây giờ cho đến khoảng cuối năm 2023. Điểm dừng lãi suất cuối cùng và thời điểm cắt giảm lãi suất rất khó để dự đoán", ông McBride cho hay.