Theo đó, tại công bố xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với Công ty Cổ phần Camimex Group, FiinRatings xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành ở mức BB, triển vọng ổn định.
Về hồ sơ rủi ro tài chính của Camimex Group (CMX) được FiinRatings đánh giá ở mức tương đối cao, phản ánh khả năng thanh toán ở mức trung bình so với các doanh nghiệp hoạt động trong một ngành có mức độ rủi ro tài chính tương đối cao như thủy sản, với đặc điểm chung là mức nhu cầu vay nợ ngắn hạn tương đối cao để tài trợ vốn lưu động.
Thêm vào đó, CMX có hệ số Nợ vay/ EBITDA ở mức 6.28x, cao hơn mức trung bình 3.18x của các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy vậy, FiinRatings vẫn đánh giá khả năng bao phủ nợ vay và lãi vay của CMX vẫn ở mức phù hợp, thể hiện qua chỉ số thanh toán hiện hành 1.47x và EBITDA/Lãi vay ờ mức 5.06x.
Về hồ sơ kinh doanh của CMX được FiinRatings đánh giá ở mức Trung bình.
Theo đó, Camimex được thành lập từ năm 1977, là một trong những công ty đầu tiên của ngành thuỷ sản Việt Nam. Công ty sở hữu ba nhà máy chế biến với tổng công suất khoảng 18,360 tấn thành phẩm/năm. Quy mô hoạt động và nguồn lực của công ty được đánh giá ở mức trung bình so với các công ty trong ngành với giá trị xuất khẩu năm 2022 chiếm khoảng 2% thị phần xuất khẩu tôm cả nước.
Mặt khác, FiinRatings đánh giá hiệu quả hoạt động của CMX thấp hơn các doanh nghiệp tương đồng, thể hiện qua mức vòng quay tài sản cố định và vòng quay hàng tồn kho của CMX đều thấp hơn so với trung bình ngành.
Trong giai đoạn 2023-2024, CMX có kế hoạch đầu tư nâng công suất chế biến cũng như phát triển vùng nuôi công nghệ cao và cải thiện được hiệu suất hoạt động và khả năng sinh lời, tuy nhiên FiinRatings cho rằng những dự án này sẽ cần thêm thời gian để có thể đem lại hiệu quả cho công ty.
Năm 2023 nhiều thách thức
Tại Báo cáo xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với CMX, FiinRatings cũng cho biết mức điểm xếp hạng tín nhiệm (BB) và triển vọng cũng thể hiện những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu Thủy sản Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2023.
Cụ thể, những thách thức đặt ra cho CMX bao gồm các biến động về chính trị và nguồn cung ứng cũng như lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu ảnh hưởng tới sức mua, biến động tỷ giá hay chi phí logistic khiến giá vật tư, nguyên liệu tăng mạnh; thiếu nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành hàng hóa, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Dự phóng kết quả kinh doanh 2023
Tại Báo cáo xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với CMX, FiinRatings cũng đưa ra kịch bản cơ sở dựa trên các yếu tố phân tích chính đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, FiinRatings nhận định doanh thu năm 2023 của CMX ước đạt khoảng 3.217 tỷ VND (tăng 11% so với 2022) nhờ công suất chế biến tăng khoảng 30% và sản lượng tăng 29% so với năm 2022. Biên EBITDA đạt mức 10% với giả định chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 80% doanh thu; và chi phí khác (bán hàng, nhân công, điện nước) chiếm khoảng 10% doanh thu.
Cũng theo FiinRatings, lãi suất thực hưởng (“effective rate") của CMX đối với các khoản nợ vay là 7%, cao hơn 2% so với năm 2021 và 2022 do mặt bằng lãi suất tăng lên. Công ty sẽ chưa phát hành thêm cổ phiếu trong 2023 do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Về khối lượng phát hành trái phiếu của CMX, FiinRatings thoogn tin giá trị trái phiếu phát hành thêm 300 tỷ VND.
Trên thị trường, thị giá của CMS kết phiên 7/4/2023 ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 1 năm qua, thị giá của CMX đã ghi nhận mức giảm khoảng 65% từ mức giá đỉnh khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2022.