Nội dung chính:
- TP.HCM đang đẩy mạnh các dự án đầu tư công với tổng vốn đầu tư dự kiến 60.000 tỷ đồng năm 2024.
- Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng được chú trọng.
HĐND TP.HCM khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 11. Tại kỳ họp, UBND TPHCM đã trình dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Theo đó, UBND TP. HCM dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gần 60.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hơn 55.225 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách Trung ương của Thành phố hơn 4.355 tỷ đồng.
Trong 55.225 tỷ đồng ngân sách địa phương, gần 35.000 tỷ đồng được đăng ký cho các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện. Hơn 20.000 tỷ đồng còn lại được đăng ký cho các dự án chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2024 đang được các sở ngành, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục quyết định đầu tư.
Cổng thông tin TP.HCM không công bố chi tiết các dự án đầu tư công theo kế hoạch ngân sách địa phương. Với nguồn vốn ngân sách TW (4.355 tỷ đồng), có 7 dự án hạ tầng - giao thông được chỉ định, bao gồm:
Không chỉ các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại TP.HCM cũng đang được thúc đẩy triển khai nhờ một loạt quy định mới.
Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM được làm dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên những trục chính, đường trên cao huyết mạch và dự án xây dựng - chuyển giao (BT) trả chậm bằng ngân sách.
Các dự án đầu tư hạ tầng cũng cho phép triển khai dự án trên tuyến đường cũ (mở rộng các tuyến cũ) thay vì bắt buộc mở tuyến mới, tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng triển khai và giảm thời gian, chi phí giải tỏa mặt bằng.
Đối với các dự án BOT có giải phóng mặt bằng lớn, TP.HCM được áp dụng nâng tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước lên không quá 70% (quy định hiện nay tối đa không quá 50%). Đây là điều kiện đảm bảo tính khả thi dự án vừa đảm bảo rút ngắn thời gian thu phí.
Với hình thức này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã lập danh sách 5 dự án ưu tiên triển khai mở rộng các tuyến giao thông cửa ngõ, liên kết vùng, gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, cầu đường Bình Tiên, trục đường Bắc Nam. Tổng vốn đầu tư 5 dự án này hơn 37.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ tham gia thực hiện dự án với tỷ lệ từ 30 - 50%, tùy dự án.
Đón đầu làn sóng đầu tư các dự án hạ tầng, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu các dự án hạ tầng tại TP.HCM. Theo tài liệu được công bố tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1, CII đang nghiên cứu 7 dự án với tổng vốn đầu tư gần 113.000 tỷ đồng. CII sẽ tổ chức cuộc họp bất thường lần 2 trong vòng một tháng tới, để xin ý kiến cổ đông về chủ trương đầu tư.