Sáng 19/9, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp chuyên đề xem xét thông qua nhiều tờ trình quan trọng liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).
Theo đó, 5 dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028, phần vốn Nhà nước tham gia từ nay đến năm 2025 là hơn 8.300 tỷ đồng.
Cụ thể, có 4 dự án sẽ được triển khai theo hợp đồng với phương án doanh nghiệp tham gia 46-50% vốn, phần còn lại ngân sách đầu tư.
Dự án mở rộng QL.1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương - đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km sẽ được mở rộng lên 52 - 60m, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng; Dự án mở rộng QL.13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,9 km được mở rộng lên 53 - 60m, tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng; Dự án mở rộng QL.22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) dài 9,1 km sẽ mở rộng lên 60m, tổng mức đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng; Dự án mở rộng đường trục Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh - cao tốc Bến Lức Long Thành) dài 8 km được mở rộng 60m.
Riêng dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km, rộng 30 - 40m, tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng sẽ được ngân sách tham gia với tỷ lệ 54%, phần còn lại là vốn doanh nghiệp.
Theo UBND TP.HCM, tình hình thực hiện các công trình giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số, chưa tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.
Trong đó các tuyến đường phố chính đô thị, đường trên cao chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Các tuyến quốc lộ (được Bộ Giao thông Vận tải có quyết định chuyển thành đường đô thị) đóng vai trò trục hướng tâm và hiện là các cửa ngõ chính ra vào thành phố nhưng chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng theo quy mô quy hoạch.
UBND TP.HCM cũng cho rằng, trên cơ sở lựa chọn dự án nêu trên, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 98, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình giao thông và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách.
Đồng thời, tiếp nhận đề xuất dự án của các doanh nghiệp (nếu có) để định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện.