Theo Bloomberg, một cuộc khảo sát của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy nhiều hộ gia đình tại quốc gia này đang phải chật vật để trang trải chi phí sinh hoạt.
Cụ thể, gần 38,5% hộ gia đình ở Mỹ, tương đương với khoảng 89,1 triệu người, gặp phải khó khăn về vấn đề tiền bạc trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến ngày 8/5. Cách đây một năm trước, con số này là 34,4%. Thậm chí vào năm 2021, tỷ lệ chỉ còn khoảng 26,7%.
Tỷ lệ các hộ gia đình đang gặp khó khăn có sự khác nhau theo từng khu vực. Trong đó, cư dân ở các bang như Louisiana và Mississippi là những đối tượng chịu sức ép lớn nhất về mặt tài chính.
Tại 15 tiểu bang, cứ 10 người lớn thì có hơn 4 người phải chật vật trong việc thanh toán các hóa đơn sinh hoạt. Ở một số khu vực đô thị, bao gồm Los Angeles và Riverside, gần một nửa số hộ gia đình đang rơi vào cảnh túng thiếu.
Trước thực trạng trên, nhiều hộ gia đình đang chuyển sang dùng thẻ tín dụng để giải quyết vấn đề ngân sách. Hơn 25 triệu hộ gia đình cho biết họ đã sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay tiền để đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Vào năm 2022, chỉ có 22,4 triệu hộ gia đình sử dụng hình thức thanh toán này.
Tuy nhiên, những người sử dụng thẻ tín dụng có thể sẽ phải đối diện với một nỗi lo mới khi lãi suất trung bình đối với loại hình này hiện đã vượt quá 20%.
Trong một cuộc khảo sát của Morning Consult thực hiện với hơn 11.000 người tiêu dùng Mỹ hồi giữa tháng 4, gần 2/3 số người được hỏi không thể thanh toán các khoản chi tiêu bất ngờ trị giá hơn 400 USD nếu không vay nợ.
Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người Mỹ bị đẩy vào tình trạng buộc phải vay tiền nhiều hơn, ngay cả khi lãi suất tăng cao. Những khoản vay này sẽ giúp họ có thể trang trải những khoản phí sinh hoạt thường ngày như sửa chữa ôtô, mua sắm thiết bị gia dụng hoặc chi trả hóa đơn y tế.
Theo CNBC, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng quý I tại Mỹ lên đến 17.050 tỷ USD, tăng gần 150 tỷ USD, tương đương 0,9% so với quý trước. Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, nợ tiêu dùng tại Mỹ đã tăng tới 2.900 tỷ USD.
Trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng tăng 0,6 điểm phần trăm, lên mức 6,5%. Tổng tỷ lệ nợ quá hạn tăng 0,2 điểm phần trăm, chạm ngưỡng 3%, đánh dấu mức cao nhất kể từ quý III/2020.