Ngày 28/8, hai chuyên gia Dylan Patel và Daniel Nishball thuộc công ty nghiên cứu SemiAnalysis đã đưa ra nhận định về Gemini - mô hình AI đa phương thức do Google DeepMind nghiên cứu và phát triển. Họ cho rằng “nó có thể nuốt trọn cả thế giới và phá vỡ GPT-4 bằng sức mạnh gấp 5 lần vì đòi hỏi ít card đồ họa hơn”.
Gemini dự kiến được công bố vào cuối năm nay. Đây được xem là nỗ lực nghiêm túc nhất trong cơn sốt AI - lĩnh vực Google vốn được cho là chậm chân hơn so với các đối thủ.
Patel và Nishball phân chia ‘GPU giàu’ (GPU-Rich) để chỉ những hệ thống AI tiêu tốn nhiều bộ xử lý đồ họa và ‘GPU nghèo’ (GPU-Poor) nhằm ám chỉ các hệ thống cần ít GPU song vẫn có sức mạnh vượt trội. GPT-4 được coi là đại diện cho mô hình cần nhiều GPU, trong Gemini ở bên còn lại. Dẫn hàng loạt số liệu, họ kết luận rằng mô hình Gemini vượt trội hơn hẳn GPT-4 về thước đo hiệu suất liên quan đến tính toán máy tính (FLOPS).
“Ai có thể cứu chúng ta khỏi việc trở thành nô lệ cho GPU Nvidia không? Câu trả lời có thể là Gemini”, một ý kiến nêu.
Trên các diễn đàn, tranh cãi đang nổ ra rằng liệu nhiều GPU tiên tiến và đắt tiền có cho ra đời những mô hình tốt hơn hiện nay không.
“Tôi hy vọng sớm có ai đó truất ngôi OpenAI. Gemini mạnh gấp 5 lần GPT-4 nhưng chất lượng chưa chắc đã bằng”, một người nêu ý kiến.
“Sức mạnh tính toán không thôi là chưa đủ. Nó còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo, hiệu quả dữ liệu cũng như chất lượng sản phẩm”, trang Hacker News bình luận. “Tôi sẽ chỉ tin nếu Google chứng minh được rằng Gemini đúng là mạnh hơn GPT-4 5 lần”.
Theo các chuyên gia, việc Google ra mắt Gemini vào cuối năm nay sẽ có tác động tích cực tới sự tiến bộ của các mô hình ngôn ngữ lớn.
“Năm 2024 sẽ rất thú vị”, một người dùng bình luận.
Có thể thấy, Google đang cố gắng dập tắt bất kỳ quan điểm cho rằng họ tụt hậu về mặt công nghệ. Vào tháng năm, Sundar Pichai, CEO Google, đã tiết lộ hơn 10 sản phẩm hỗ trợ AI tại I/O - một sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển phần mềm.
Theo WSJ, việc xây dựng công nghệ AI đáng tin cậy đòi hỏi nguồn lực khổng lồ mà chỉ có những tập đoàn công nghệ có quy mô như Microsoft và Google mới đáp ứng được. Tinglong Dai, giáo sư chuyên ngành quản lý hoạt động tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu về tương tác giữa con người và AI, cho biết có 2 lý do cho điều này.
Thứ nhất, cần hàng chục nghìn máy tính trong cơ sở hạ tầng đám mây để huấn luyện và vận hành hệ thống AI. Thứ hai, AI sáng tạo đòi hỏi nguồn nhân lực khổng lồ liên tục thử nghiệm và điều chỉnh mô hình ngôn ngữ, làm sao để chúng không cung cấp những câu trả lời quá vô nghĩa hoặc mang hàm ý xúc phạm.
“Câu hỏi lớn nhất là liệu Google có tiếp tục dẫn đầu mảng tìm kiếm hay không khi biến AI trở thành trọng tâm phát triển mới. Lần đầu tiên sau 15 năm, Google phải đối mặt với một thách thức thực sự. Đây cũng là lần đầu tiên họ chậm một bước so với nhịp phát triển chung của thị trường”, Matt Naeger, Giám đốc chiến lược và tiếp thị tại Merkle, cho biết.
Dẫu vậy, với vị thế hiện tại, khả năng Google bị đánh bại được cho là tương đối nhỏ. Hơn nữa, nếu thành công với chatbot Bard, gã khổng lồ này sẽ càng có thêm nhiều sức mạnh cạnh tranh trong cuộc đua AI
Theo: BI