Lao động gen Z bị đánh giá thấp, thậm chí mất việc vì thói quen đi làm muộn. Ảnh minh họa: Pexels.
Gen Z mới tham gia lực lượng lao động trong một thời gian ngắn nhưng đã tạo ra tác động khá lớn. Họ coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mở ra loạt xu hướng làm việc mới như âm thầm nghỉ việc, ngày thứ 2 tối thiểu...
Trong khi nhiều người coi việc từ chối văn hóa "làm việc hối hả" là một điều tích cực, một số lao động gen Z lại hình thành thói quen xấu khi làm việc, dẫn đến nguy cơ bị sa thải.
Thường xuyên đi làm muộn
Mới đây, công ty phát triển ứng dụng họp trực tuyến Meet Canary thực hiện một khảo sát với hơn 1.000 người lao động tại Anh. Kết quả, gần một nửa lao động gen Z nói rằng họ thấy việc đi làm muộn 5-10 phút không có vấn đề gì, về cơ bản là cũng giống như đi làm đúng giờ.
Trong khi đó, người lao động gen X lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Khoảng 70% lao động gen Z làm khảo sát nói rằng họ "không khoan nhượng" với việc đi muộn.
Khoảng 40% lao động gen Y nói họ sẽ tha thứ nếu đồng nghiệp đi muộn 10 phút. Con số này giảm xuống còn 26% đối với lao động gen X làm khảo sát, theo New York Post.
Gen Z coi việc đi làm muộn vài phút là bình thường, nhưng đồng nghiệp gen X lại không chấp nhận điều đó. Ảnh: Pexels.
Xu hướng đi làm muộn cũng bắt đầu xuất hiện tại Australia. Trao đổi với New York Post, Roxanne Calder, chuyên gia tuyển dụng và là người sáng lập công ty EST10, cho biết việc đi làm muộn hiện là "chuẩn mực" đối với nhiều lao động gen Z.
"Họ đến văn phòng lúc 9h10 dù ca làm việc bắt đầu từ lúc 9h. Điều này tôi chứng kiến thường xuyên, không riêng môi trường văn phòng mà các công ty bán lẻ, khách sạn, quán cà phê cũng gặp vấn đề như vậy", Calder thông tin.
Lý do gen Z đi muộn
Ngoài ra, Roxanne Calder tiết lộ rằng một chủ quán cà phê đã sa thải nhân viên pha cà phê vì không đi làm đúng giờ.
Vị chuyên gia tuyển dụng đánh giá rằng ở một thời điểm nào đó, việc sa thải nhân viên vì đi muộn là điều hiển nhiên. Nhưng trong bối cảnh làm việc ngày nay, cách xử lý đó "không phải lúc nào cũng đúng".
Lý do Calder đưa ra là mỗi người sẽ có những cách nhìn nhận khác nhau về thời gian. Ví dụ với gen Z, nhận thức về thời gian của họ được hình thành từ trải nghiệm và tốc độ thay đổi thay đổi công nghệ. Điều này khiến các bạn đặt ra khái niệm linh hoạt hơn về sự đúng giờ.
Công nghệ, bối cảnh xã hội tác động đáng kể đến quan niệm giờ giấc của gen Z khi đi làm. Ảnh: Pexels.
Theo nữ chuyên gia, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cách mọi người làm việc vì gen Z thường xuyên kết nối với nhau thông qua các phương tiện liên lạc và mạng xã hội. Chính điều này có thể làm mờ ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian cá nhân.
"Các công cụ công nghệ giúp gen Z quản lý nhiều công việc cùng lúc một cách hiệu quả. Vì thế, các bạn thường tiếp cận đúng lúc thay vì chuẩn bị từ sớm", Calder lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, chuyện đi làm muộn của gen Z cũng có thể bắt nguồn từ các bạn đã quen với cách đi làm trong thời kỳ đại dịch - khi việc tham gia cuộc họp online muộn 5 phút cũng có thể được chấp nhận. Trong thời gian này, làm việc từ xa vẫn là điều mới mẻ với nhiều người nên họ dễ dàng bỏ qua chuyện đồng nghiệp "đi làm muộn".
Calder nói rằng mất khái niệm về thời gian hoặc quản lý thời gian kém là những triệu chứng thường thấy ở ADHD. Người mắc chứng này thường không biết cách sắp xếp thời gian làm việc nên thường xuyên đi muộn, trễ deadline.