Dịch bệnh, tình hình kinh tế biến động và lạm phát dai dẳng đã khiến quá trình chuyển sang tuổi trưởng thành của nhóm người trẻ tuổi không dễ dàng. Ngược lại, chúng chứa đầy trắc trở. Hiện tại, nhiều thanh niên ở xứ cờ hoa mắc nợ vào thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển tài chính của họ.
Theo báo cáo mới từ Credit Karma, các thanh niên Gen Z có khoản nợ tín dụng trung bình lên tới 16.283 USD trong quý cuối cùng của năm ngoái, tăng 3,1% so với quý trước đó. Số nợ ở mức thấp nhất đối với những người trẻ tuổi là 2.781 USD.
Đây là mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận so với bất kỳ thế hệ nào, dù tổng nợ trung bình của nhóm Gen Z thấp hơn nhóm những người lớn tuổi.
Với tỷ lệ lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương ở hầu hết vùng của Mỹ, người tiêu dùng ngày càng buộc phải dựa vào thẻ tín dụng để chi tiêu các khoản trong cuộc sống hàng ngày.
Song, điều đáng nói là ở nhóm người dưới 30 tuổi, với số năm đi làm chưa lâu, đang gặp nhiều khó khăn hơn so với thế hệ trước trong việc bắt kịp, xoay xở với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Các "tài xế" Gen Z cũng chứng kiến khoản nợ vay mua ô tô tăng nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác, ở mức 2,3%.
Thế hệ trẻ không chỉ mắc nợ với tốc độ nhanh hơn các thế hệ lớn tuổi hơn, mà cũng đang bị tụt hậu trong khoản thanh toán.
Gen Z là thế hệ duy nhất tại Mỹ chứng kiến sự gia tăng của các tài khoản quá hạn hơn 30 ngày, bao gồm tài khoản thẻ tín dụng, thế chấp, khoản vay sinh viên, khoản vay y tế, hợp đồng thuê ôtô hoặc khoản vay mua ôtô.
Hậu quả, số dư nợ phình to sẽ dễ tác động tiêu cực đến điểm tín dụng của họ và gây tác động lâu dài đối với mọi thứ, từ khả năng tiếp cận mua nhà cho đến cho vay thế chấp.
Đối với người tiêu dùng Gen Z, những người đang có điểm tín dụng trung bình thấp nhất là 653, bất kỳ báo cáo tiêu cực nào về lịch sử tín dụng của họ cũng sẽ gây tiêu cực đến quá trình sử dụng tài chính của họ sau này.
Không chỉ Gen Z, những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến năm 1996) ở Mỹ cũng đang ngồi trong một vũng lầy kinh tế, với nhiều tác động xấu có thể xảy đến với họ cho đến khi nghỉ hưu.
Những tác động có từ đại dịch, chẳng hạn như chi phí chăm sóc trẻ em khi trường học đóng cửa, vẫn đang ảnh hưởng xấu đến các bậc cha mẹ nhóm Millennials.
Về lâu dài, quỹ hưu trí của thế hệ này cũng có thể bị ảnh hưởng nếu trợ cấp an sinh xã hội bị cắt giảm. Thêm vào đó, họ đang tích lũy nợ với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo một phân tích gần đây của Wall Street Journal dựa trên dữ liệu của Fed New York.
Theo đó, tổng số nợ của những người từ 30 đến 39 tuổi đang khoảng 3,800 nghìn tỷ USD, tính đến quý IV năm 2022, tăng khoảng 140 tỷ USD so với quý trước đó và tăng 27% so với cuối năm 2019. Lần cuối cùng khoản nợ của những người ở độ tuổi 30 tăng nhanh như vậy là giai đoạn 2005-2008.