Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 21/11 (theo giờ Việt Nam), lần thứ 2 trong vòng một tuần qua, giá Bitcoin rơi xuống dưới ngưỡng 16.000 USD/đồng. Tính đến 17h45, giá đã phục hồi về 16.101,69 USD/đồng, nhưng vẫn giảm 3,32% so với 24 giờ trước đó.
So với mức kỷ lục 68.789 USD/đồng đạt được hôm 11/10/2021, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất giá trị 76,63%.
Đà giảm cũng lan rộng trong ngành công nghiệp tiền mã hóa. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường mất 4,4% còn 795 tỷ USD. Riêng Ether - đồng tiền lớn thứ 2 - ghi nhận mức giảm gần 7%.
Trong vòng 7 ngày qua, đồng tiền này đã bay hơi hơn 11% giá trị.
Có thể về ngưỡng 10.000 USD?
"Bức tranh của thị trường tiền mã hóa ngày càng tệ hại. Bởi những hậu quả từ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đang được phơi bày", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
"Giá Bitcoin có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 16.000 USD/đồng và hiện trong tình thế rất dễ tổn thương", vị chuyên gia nhận định. Ông cảnh báo giá sẽ còn sụt giảm hơn nữa.
"Thị trường tiền mã hóa có thể mất nhiều thời gian để phục hồi. Tình trạng không chắc chắn do bê bối của FTX là trở ngại lớn với ngành công nghiệp này trong thời gian tới", ông Erlam nhận xét.
Bức tranh của thị trường tiền mã hóa ngày càng tệ hại. Bởi những hậu quả từ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đang được phơi bày
Ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London
"Tới lúc này, tôi không ngạc nhiên nếu giá Bitcoin rơi xuống ngưỡng 10.000 USD/đồng", ông dự báo.
Niềm tin vào ngành công nghiệp tiền mã hóa đã bị thiêu rụi bởi bê bối của FTX. Ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó.
Sàn giao dịch tiền mã hóa rơi vào khủng hoảng vì sử dụng tiền gửi của khách hàng sai mục đích. Khi người dùng rút tiền ồ ạt, sàn không còn tiền mặt và phải dừng giao dịch.
Trước đó, công ty bị Binance từ chối mua lại vì "những báo cáo mới nhất liên quan tới việc xử lý sai nguồn tiền của khách hàng và các cuộc điều tra của giới chức Mỹ".
Trước vụ việc, FTX được đánh giá là “blue-chip” trong ngành tiền thuật toán. Trong hồ sơ phá sản, công ty cho biết đang nợ 3,1 tỷ USD từ 50 chủ nợ lớn nhất. Nhóm luật sư thừa nhận sàn giao dịch này hiện có khoảng một triệu chủ nợ.
Dòng tiền chảy khỏi thị trường
Sự sụp đổ của FTX trở thành đòn giáng chí mạng vào ngành công nghiệp tiền mã hóa. Dòng tiền chảy khỏi các sàn giao dịch tiền mã hóa trên toàn cầu tăng đột biến. Trong vỏn vẹn 7 ngày tính đến hôm 14/11, người dùng đã rút tổng cộng 3,7 tỷ USD Bitcoin và 2,5 tỷ USD Ether.
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các tỷ phú tiền mã hóa đã mất tổng cộng 96 tỷ USD. Con số này chỉ tính đến những người còn trụ lại danh sách tỷ phú, và không bao gồm hàng tỷ USD bị bốc hơi khỏi khối tài sản của Bankman-Fried.
Vết thương lan rộng trong ngành công nghiệp có thể kéo tụt giá của các token. Điều này sẽ làm tài sản của những tên tuổi như tỷ phú Changpeng “CZ” Zhao của Binance và tỷ phú sáng lập Galaxy Digital Holdings Michael Novogratz sụt giảm hơn nữa.
Nói với Bloomberg, ông Vitalik Buterin - nhà sáng lập Ethereum - mô tả những gì xảy ra với FTX "là một bi kịch lớn". Theo ông, việc đặt niềm tin vào "mã nguồn mở và sự minh bạch của một cá nhân" trong thị trường tiền mã hóa là sai lầm.
Trước đó, trong quý II, sự sụp đổ của stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định) terraUSD và token LUNA đã tạo cơn địa chấn trên thị trường tiền mã hóa.
Khi thị trường suy yếu, hàng loạt công ty trượt tới bờ vực phá sản và vỡ nợ. Đến nay, hơn 2.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa so với một năm trước đó.