Tình trạng ồ ạt nuôi trồng gây mất ổn định ngành hàng cá tra. |
Những con số ấn tượng
Xuất khẩu cá tra đi lên đã thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và cá giống tăng mạnh. Hiện, giá bán cá tra thương phẩm hiện lên tới 29.500-31.000 đồng/kg, tăng 5.000-6.500 đồng/kg so với năm 2021. Giá bán cá tra giống cũng tăng 10.000 đồng/kg, lên khoảng 35.000 đồng-40.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong 7 tháng đầu năm toàn vùng ĐBSCL diện tích nuôi ước đạt 3.200 ha (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021). Sản lượng ước đạt 0,81 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến giữa tháng 7 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh sản xuất giống cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với 76 cơ sở cho cá sinh sản và 1.104 cơ sở ương dưỡng giống cá tra (diện tích khoảng 950 ha). Hàng năm, cung cấp khoảng 20 tỷ con cá tra bột và khoảng 1,2 – 1,3 tỷ con cá tra giống đủ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Năm 2022, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 103 cơ sở nuôi cá tra bố mẹ sinh sản và 1.913 cơ sở ương dưỡng cá tra giống đang hoạt động.
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu cá tra giống chất lượng cao (sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh...) cần khoảng 2,5-3 tỷ con.
Thách thức đặt ra
Ngành hàng cá tra bước đầu gặt hái được một số thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thực tế vẫn đang đối mặt với không ít những thách thức trong quá trình phát triển, như chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm chất lượng tính chất di truyền; liên kết chuỗi còn lỏng lẻo (chủ yếu trong sản xuất giống); giá cá biến động liên tục, thiếu thông tin định hướng thị trường, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, sức ép về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các rào cản thương mại, các yêu cầu kỹ thuật của thị trường ở các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn, hệ thống phân phối tiêu thụ, logistic còn rất nhiều hạn chế là những thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng cá tra.
Mặt khác, tình trạng ồ ạt nuôi trồng ăn theo khiến chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng cá tra.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục thủy sản) cho biết, “Chất lượng con giống cá tra đang suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng thiếu ổn định; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá cá biến động liên tục. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu cá tra giống chất lượng cao (sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh...) cần khoảng 2,5-3 tỷ con, do vậy, cần nâng cao năng lực sản xuất con giống trong thời gian tới”.
Mới đây, tại hội nghị “Giải pháp thúc đẩy tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra”, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục thủy sản) cho biết sản xuất cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hồi sinh mạnh mẽ sau cú sốc dịch Covid-19 năm 2021.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống cá tra tập trung tại hai tỉnh An Giang (350 ha) và Đồng Tháp (420 ha) theo hướng đồng bộ, khép kín, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo nguồn cung cá giống cho sản xuất.
Đồng thời, Tổng cục Thủy sản dự báo, các tháng cuối năm 2022 và năm 2023 có thể có những diễn biến phức tạp, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nga có thể vẫn còn triển vọng.