Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 3/1 (giờ Việt Nam), tính đến 19h, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã rơi từ mức cao trong ngày 86,631 USD/thùng xuống 84,3 USD/thùng, rồi phục hồi phần nào lên 84,6 USD/thùng. Giá của mỗi thùng dầu đã giảm gần 2 USD chỉ sau 4 tiếng.
So với 24 giờ trước đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ giảm 1,13% xuống 79,3 USD/thùng, mất mốc 80 USD/thùng.
Giá dầu lao dốc khi các nhà đầu tư trở lại làm việc sau kỳ nghỉ đầu năm. Bước sang năm 2023, sức ép từ rủi ro suy thoái và nhu cầu nhiên liệu suy yếu đã đè nặng lên thị trường dầu.
Năm 2023 sẽ khó khăn hơn
Hôm 1/1, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) - cảnh báo rằng Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, những động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đều đang giảm tốc. Theo bà, năm 2023 sẽ khó khăn với kinh tế toàn cầu hơn năm 2022.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, giá dầu Brent được dự báo ở mức trung bình 89,37 USD/thùng vào năm 2023, còn giá dầu WTI khoảng 84,84 USD/thùng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Năm 2023 sẽ khó khăn với kinh tế toàn cầu hơn năm 2022
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF
Tính đến tháng 12 năm ngoái, hầu hết tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.
Báo cáo của IMF nhận định thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu.
Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến hộ gia đình siết chặt chi tiêu trong bối cảnh hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch Covid-19 đang giảm dần.
Do đó, IMF giảm 0,2 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 xuống 2,7%.
Trong khi đó, Fitch Ratings (FR) điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ mức 1,7% xuống 1,4%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2023, giảm từ mức 3,1% năm ngoái.
Sẽ bật tăng mạnh?
Thị trường dầu thô thế giới đã biến động mạnh trong năm 2022. Kết thúc năm, giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 10,5% và 6,7%.
Trong một báo cáo được công bố hôm 3/1, đội ngũ phân tích của Societe Generale cho biết vào tuần cuối cùng của năm 2022, 12,3 tỷ USD đã đổ vào thị trường dầu, mức lớn nhất năm ngoái. Mối lo ngại về việc nguồn cung dầu toàn cầu bị siết chặt đã đẩy giá của loại hàng hóa này tăng vọt.
Theo các thương nhân và tính toán của Reuters, xuất khẩu dầu Urals của Nga sẽ giảm tới 20% trong tháng 12. Bởi trong tháng đó, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.
Các thương lái cho rằng Moscow không thể chuyển hướng hoàn toàn sang những thị trường khác, nhất là 2 nước tiêu thụ lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Nga vẫn đang gặp khó trong việc tìm đủ tàu phù hợp.
Trong tuần cuối của tháng 12, Tổng thống Nga Putin cũng đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu sang các quốc gia áp giá trần đối với dầu Nga, tính từ tháng 2/2023. Động thái này nhằm đáp trả việc G7, EU và Australia áp giá trần với dầu thô của Nga.
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow sẵn sàng giảm sản lượng dầu 5-7% kể từ đầu năm nay.
Việc Trung Quốc khôi phục các hoạt động kinh tế và di chuyển cũng có thể đẩy giá dầu lên cao. Trong những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin đợt bùng phát Covid-19 sắp đạt đỉnh.
Hãng tin Caixin hôm 1/1 cho biết làn sóng dịch ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Trùng Khánh sắp kết thúc. Tuy nhiên, tới tận nửa cuối tháng 1, số ca mắc tại Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc và Thanh Hải mới đạt đỉnh.
Mới đây, ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - tin rằng giá dầu có thể chạm mốc 121 USD/thùng sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.