CNBC đưa tin theo giới quan sát, các nước sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn vào cuộc họp hôm 4/12 tới.
OPEC+ - nhóm gồm 23 quốc gia sản xuất dầu, đứng đầu là Nga và Saudi Arabia, sẽ đưa ra quyết định về chính sách sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.
Cuộc họp diễn ra trước khi các lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga có hiệu lực, nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc suy yếu và mối lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.
Cân nhắc nhiều yếu tố
Thị trường vẫn đang cảnh giác đối với các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga, có hiệu lực kể từ ngày 5/12.
Kế hoạch của G7 nhằm áp trần giá bán dầu Nga cũng sẽ tác động tới thị trường.
Vào tháng 7, EU đã nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển qua đường biển của Nga kể từ ngày 5/12. Động thái này nhằm chặn nguồn thu của Điện Kremlin sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, các lệnh cấm đối với dầu thô Nga có thể đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. G7 do đó đã đẩy mạnh kế hoạch áp giá trần đối với dầu từ Nga.
Đến nay, kế hoạch áp giá trần vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Nhưng hôm 1/12, Reuters đưa tin chính phủ các nước thành viên EU đã tạm đồng ý với mức giá 60 USD/thùng.
"OPEC sẽ cần tính tới việc áp giá trần", ông Claudio Galimberti - Phó chủ tịch cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Rystad - bình luận. "Kế hoạch này khiến sự không chắc chắn gia tăng", ông nói thêm.
Điện Kremlin từng cảnh báo rằng việc áp giá trần đối với dầu Nga sẽ "lợi bất cập hại".
Cách đây hơn một tháng, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn.
OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Saudi Arabia cũng đã gửi một tín hiệu khá rõ ràng cho thị trường trước cuộc họp. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ "sẵn sàng can thiệp" bằng việc cắt giảm nguồn cung hơn nữa nếu cần "cân bằng cung cầu".
Quyết tâm đẩy giá lên cao?
Mới đây, chuyên gia Helima Croft tại RBC Capital Markets cho rằng đừng nên hy vọng vào việc OPEC+ tăng sản lượng trong cuộc họp sắp tới, và khả năng nhóm này tiếp tục cắt giảm sản lượng "là khá cao".
"Có quá nhiều điều không chắc chắc", bà Croft nói với CNBC. "Các thành viên OPEC vừa phải tính tới tình hình ở Trung Quốc, vừa cần cân nhắc về sản lượng dầu của Nga", bà nói thêm.
"Tôi cho rằng nếu giá dầu Brent rơi xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng, chắc chắn OPEC sẽ giảm sản lượng sâu hơn", bà Croft dự báo.
Cuối cùng, quyết định sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá dầu vào thời điểm OPEC+ họp, và mức độ gián đoạn trên thị trường do các lệnh trừng phạt của châu Âu
Nhóm phân tích của Eurasia Group
"Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao họ tính được những gì sẽ xảy ra vào hôm sau", vị chuyên gia nói thêm.
Theo ông Tamas Varga - nhà phân tích tại công ty môi giới PVM Oil, mức giá dưới 90 USD/thùng là "không thể chấp nhận được đối với OPEC". Nga cũng có khả năng tung đòn trả đũa đối với những quốc gia tham gia kế hoạch của G7.
"Thị trường vẫn sẽ hỗn loạn và bị nhấn chìm bởi nỗi sợ. Nhưng trong tháng tới, giá sẽ tăng cao hơn so với tháng 11", ông dự báo.
Đội ngũ phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group cho rằng giá dầu lao dốc sẽ khiến kịch bản OPEC+ cắt giảm sản lượng dễ xảy ra hơn.
"Cuối cùng, quyết định sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá dầu vào thời điểm OPEC+ họp, và mức độ gián đoạn trên thị trường do các lệnh trừng phạt của châu Âu", nhóm phân tích cho biết.
Nếu giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm xuống dưới 80 USD/thùng trong một thời gian dài trước cuộc họp, OPEC+ sẽ nhất trí cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Đội ngũ phân tích của Eurasia Group cho rằng OPEC+ muốn đưa dầu về mức giá 90 USD/thùng.