Cách đây hơn một tháng, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn.
Dù vậy, giá dầu vẫn lao dốc bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Hôm 28/11, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu rơi một mạch từ gần 87 USD/thùng xuống hơn 81 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Bloomberg dẫn lời các đại diện OPEC+ cho biết cắt giảm vẫn là một trong những lựa chọn của họ. Trước đó, họ dự báo có thể tạm dừng để đánh giá tác động của việc giảm sản lượng.
OPEC đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cách đây hơn một tháng. Nhưng giá dầu vẫn lao dốc trong vòng một tháng qua. Ảnh: Trading Economics.
Ngăn dầu trượt giá
Saudi Arabia cũng đã gửi một tín hiệu khá rõ ràng cho thị trường trước cuộc họp. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ "sẵn sàng can thiệp" bằng việc cắt giảm nguồn cung hơn nữa nếu cần "cân bằng cung cầu".
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London)
"OPEC sẽ lựa chọn giữa giữ nguyên chính sách hiện tại hoặc cắt giảm hơn nữa", bà Amrita Sen - nhà phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn Energy Aspects - bình luận. Bà cho biết họ "luôn thận trọng về cân bằng cung - cầu".
Theo cuộc khảo sát của Bloomberg với 16 chuyên gia phân tích và nhà giao dịch, 10 người cho rằng OPEC sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tuần này. Các dự báo được đưa ra dao động từ 250.000 thùng/ngày đến 2 triệu thùng/ngày.
"Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) - bình luận.
OPEC và đồng minh dường như muốn duy trì giá dầu ở mức cao. Nhưng nhóm đang đối mặt nhiều sức ép.
Các quốc gia tiêu thụ liên tục thúc giục nhóm bơm thêm dầu để ngăn chặn lạm phát. Việc tiếp tục cắt giảm sản lượng sẽ khiến mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Saudi Arabia rạn nứt.
OPEC không cần vội vã
Trên thực tế, thị trường dầu vẫn ở trong tình trạng thắt chặt. Tồn kho tại các nước phát triển hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Một ngày sau phiên họp của OPEC+, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực.
Giới chức châu Âu cũng đang thảo luận về kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Nga có thể giảm 15% vào đầu năm sau bởi các chính sách mới.
Dù vậy, kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, sản lượng dầu của nước này vẫn chưa giảm mạnh như dự báo. Bloomberg nhận định các dự báo của IEA thường quá bi quan.
"Các dự báo về nguồn cung thực tế cho thấy OPEC không cần gấp rút cắt giảm sản lượng, nhất là khi tồn kho vẫn ở mức thấp", ông Paul Horsnell - Giám đốc hàng hóa tại Standard Chartered - nhận định.
Các yếu tố cơ bản chỉ ra thị trường dầu vẫn ở trong tình trạng thắt chặt. Điều này cho thấy OPEC không cần vội vã trong việc cắt giảm mục tiêu sản lượng. Ảnh: Reuters.
"OPEC+ sẽ nghiêm túc cân nhắc việc tiếp tục cắt giảm sản lượng vào cuộc họp tháng 12, nhất là nếu giá dầu thô tiếp tục lao dốc trong những tuần tới", nhóm phân tích của Eurasia Group bình luận.
Theo các ngân hàng đầu tư, trong đó có Goldman Sachs Group, triển vọng của những nền kinh tế lớn tại châu Á cũng đang xấu đi. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đè nặng lên nhu cầu dầu tại đất nước 1,4 tỷ dân. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Những ngày qua, Trung Quốc liên tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục. Theo New York Times, ít nhất 49 thành phố của Trung Quốc, nơi sinh sống của khoảng 1/3 dân số, đang bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn.
Những siêu đô thị Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh gần đây đều thắt chặt hạn chế.