Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 18/7, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu ghi nhận mức tăng 2,07% so với 24 giờ trước đó lên 103,25 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 1,72% lên 98,6 USD/thùng.
Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu WTI có lúc xuyên thủng ngưỡng 100 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới đã trở lại đà tăng sau nhiều ngày lao dốc mạnh do nỗi sợ suy thoái. Nói với Zing, các chuyên gia cho rằng lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã trở lại chi phối thị trường.
Lo ngại về nguồn cung
"Giá dầu thô tăng lên khi thị trường phản ứng với doanh số bán lẻ ấn tượng của Mỹ. Các số liệu là minh chứng cho việc nền kinh tế Mỹ vẫn còn khỏe mạnh", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - nhận định với Zing.
"Cùng với đó, chuyến thăm tới Trung Đông của Tổng thống Biden kết thúc mà không dẫn tới việc gia tăng sản lượng dầu", vị chuyên gia nói thêm.
Cụ thể, cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm tới Saudi Arabia nhưng không thể thuyết phục nước này tăng sản lượng ngay lập tức. Saudi Arabia là nước hiếm hoi trong OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) có năng lực sản xuất dư thừa lớn.
Hồi đầu tuần trước, thị trường dầu bị đè nặng bởi nỗi lo ngại suy thoái. Do đó, doanh số bán lẻ khả quan và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện đã giúp giá dầu lấy lại đà tăng
Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ
Nghĩa là ngay cả khi cam kết nâng sản lượng, OPEC+ khó có thể tạo ra thay đổi lớn trên thị trường dầu, bởi chỉ 2-3 quốc gia thành viên có khả năng nâng sản lượng đáng kể.
Trong khi đó, theo The National của UAE, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Arab Saudi hôm 16/7, Thái tử Arabia Mohammed bin Salman cho biết nước này sẵn sàng tăng sản lượng dầu lên tối đa 13 triệu thùng/ngày, nhưng không có khả năng tăng thêm.
"Hồi đầu tuần trước, thị trường dầu bị đè nặng bởi nỗi lo ngại suy thoái. Do đó, doanh số bán lẻ khả quan và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện đã giúp giá dầu lấy lại đà tăng", ông Moya bình luận.
Theo vị chuyên gia, 2 biến số đối với thị trường dầu ở thời điểm hiện tại là sản lượng dầu tại Libya - nơi hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu mỏ thường xuyên bị gián đoạn bởi khủng hoảng chính trị - và tình hình tại Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn sẵn sàng áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, ngay cả khi trong quý II, kinh tế Trung Quốc lao dốc 2,6% so với 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn có một số điểm sáng. Lĩnh vực khai thác và chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng 0,9% so với quý II/2021. Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1%, trong khi sản xuất công nghiệp phục hồi 3,9% sau một năm.
Nhu cầu ổn định tại Trung Quốc bất chấp các biện pháp chống dịch là tin tốt với thị trường dầu.
Có thể trở lại ngưỡng 110 USD /thùng
Đồng USD sụt giảm cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá dầu. Chỉ số Dollar Index Spot của Bloomberg - đo lường sức mạnh của đồng USD với các loại tiền tệ chính khác - lao dốc 0,72 điểm, tương đương 0,67% - xuống còn 107,33 điểm.
Thị trường dầu cũng hưởng lợi sau các bình luận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, ngay cả những quan chức ủng hộ việc thắt chặt chính sách nhất của FED cũng chỉ ủng hộ một đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7.
Trước đó, sau khi lạm phát tháng 6 của Mỹ lập đỉnh 40 năm, giới quan sát đã cho rằng FED có khả năng tăng lãi suất 1 điểm phần trăm, gây ảnh hưởng đến các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.
Còn theo chuyên gia tài chính Jeffrey Halley tại hãng tư vấn Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore), thị trường dầu toàn cầu đang dồn sự chú ý vào việc nối lại dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu. Đợt bảo trì của đường ống Nord Stream 1 dự kiến kết thúc vào ngày 21/7.
"Tình trạng khan hiếm trên thực tế vẫn hỗ trợ giá dầu. Nếu Nga không nối lại dòng chảy khí đốt sang châu Âu vào cuối tuần, giá dầu thô Brent có thể một lần nữa trở lại gần 110 USD /thùng", ông dự báo.
Tuy nhiên, châu Âu, nhất là Đức - nền kinh tế thứ 4 thế giới - có thể đối mặt với suy thoái nếu dòng chảy khí đốt từ Nga bị gián đoạn.