Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện 2 thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện, do khách hàng vẫn đang trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.
Hiện đơn vị chỉ áp dụng thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên sẽ chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và đem lại hiệu quả cho khách hàng.
Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần phù hợp với thực tế.
Cơ quan chức năng cho rằng để áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần đòi hỏi hệ thống đo đếm được 2 thành phần điện năng (kWh) và công suất (Pmax/Imax). Theo đó, việc áp dụng và triển khai hệ thống giá bán cần phải đảm bảo sự sẵn sàng của hạ tầng điện lực như công tơ đo đếm và truyền dữ liệu.
Hiện nay, các tổng công ty điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU).
"Tính đến năm 2019, toàn quốc đã lắp đặt hơn 523.000 công tơ TOU cho khách hàng đủ điều kiện áp dụng biểu giá TOU như khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ", Cục Điều tiết Điện lực cho biết.
Về hạ tầng ngành điện (công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm), cơ quan chức năng cho biết đơn vị đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá 2 thành phần. Tuy nhiên, việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện.
Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt cơ chế giá bán điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Hiện nay, giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành chỉ gồm thành phần điện năng, trong khi quá trình cung cấp điện gồm 2 thành phần là công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng.
Do đó, việc áp dụng cơ chế giá 1 thành phần không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.