Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay giảm nhẹ tại và dao động trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg. Theo đó, tại Bắc Giang, giá heo hơi hom nay giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 65.000 đồng/kg. Mức giá này được ghi nhận tại Yên Bái, Hà Nam, đây cũng là mức thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thu mua heo hơi cao nhất tiếp tục được ghi nhận tại Thái Bình là 68.000 đồng/kg. Các tỉnh Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình và Tuyên Quang, giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng 66.000 – 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay đồng loạt đi ngang và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg. Theo đó, các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 58.000 đồng/kg, cao hơn một giá, tại Ninh Thuận, giá heo hơi đang ở mức 59.000 đồng/kg. Thương lái tại Lâm Đồng, Quảng Bình và Quảng Trị đang thu mua lần lượt với giá 62.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại neo tại mức 65.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Trái ngược với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Sóc Trăng, giá heo hơi hôm nay điều chỉnh giao dịch tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 62.000 đồng/kg, mức giá này cũng được ghi nhận tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Tháp. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, An Giang giữ giá heo hơi cao nhất khu vực 66.000 đồng/kg còn tại Hậu Giang, Trà Vinh, giá heo hơi hôm nay ở mức 59.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Bảng giá heo hơi hôm nay 15/9 tại các địa phương có sự điều chỉnh
Theo định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng, đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi. Vùng chăn nuôi hữu cơ được Hà Nội xác định tập trung vào hai nhóm gia súc (bò, heo) và gia cầm. Cụ thể, tại huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm (bò); huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ (heo); huyện Quốc Oai (gia cầm)... Mục tiêu đến năm 2030, số lượng bò thịt hữu cơ đạt 3.500 con, bò sữa hữu cơ đạt 650 con; heo hữu cơ đạt 13.600 con, cùng với đó là khoảng 77.400 con gia cầm hữu cơ.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp cùng các địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp thực trạng, nhu cầu và điều kiện đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; làm căn cứ triển khai định hướng phát triển chung của TP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng sẽ đánh giá dự báo về tiềm năng sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn TP, liên vùng.
Từ đó, tổ chức chăn nuôi hữu cơ trên cơ sở phù hợp điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ.
Còn tại Khánh Hòa, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư đề xuất xây dựng nhà máy giết mổ gia súc với công suất hơn 350.000 con/năm, nhu cầu sử dụng đất hơn 11 ha tại thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng… Hiện nay, dự án gặp vướng mắc do mục đích sử dụng đất được đề xuất đầu tư dự án chưa được xác định là đất do xã quản lý hay là đất công ích (đất 5%). Trường hợp đây là đất 5% thì không phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan về chủ trương đầu tư Dự án diễn ra mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND huyện Khánh Vĩnh khẩn trương xác định lại diện tích đất sử dụng vào mục đích công ích của xã Sông Cầu và diện tích đất chưa sử dụng do xã Sông Cầu đang quản lý. Sau khi rà soát, có ý kiến cụ thể theo hướng đưa phần diện tích đất tại vị trí dự án ra khỏi diện đất 5% (nếu có); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra yêu cầu về công nghệ giết mổ, làm cơ sở, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét trước ngày 12/10.