Ghi nhận trong báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022, Công ty CP Thaiholdings (THD) - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - cho biết đã cùng công ty con (Thaigroup) đầu tư 600 tỷ đồng để hợp tác kinh doanh với Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa 3, đầu tư dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống công nghệ cao.
Tại cả 2 dự án chăn nuôi heo này, nhóm doanh nghiệp Thaiholdings đều góp 300 tỷ đồng /đơn vị và nhận 60% lợi nhuận từ dự án, phía Xuân Thiện Thanh Hóa góp 75 tỷ đồng, đóng vai trò quản lý và nhận 40% lợi nhuận.
Với động thái kể trên, Thaiholdings của bầu Thụy là doanh nghiệp trong nước tiếp theo có tham vọng tham gia thị trường chăn nuôi heo, sau những ông lớn như Hòa Phát; Masan; Thaco và Hoàng Anh Gia Lai.
Đại gia đua nhau đi bán heo
Trước Thailholdings, năm 2020, Tập đoàn HAGL của bầu Đức cũng đã đẩy mạnh tham gia mảng chăn nuôi heo và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp thịt heo dẫn đầu thị trường.
Chỉ sau 1 năm, mảng nuôi heo đã trở thành nguồn thu chính của HAGL bên cạnh mảng trái cây. Thậm chí, biên lãi gộp từ hoạt động bán heo còn cao gấp đôi so với cây ăn trái.
Trong năm 2021, doanh thu bán heo mang về cho HAGL 558 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với năm liền trước. Dù chỉ tương đương 1/2 so với mảng trái cây, mảng bán heo lại mang về cho công ty bầu Đức gần 200 tỷ đồng lãi gộp, tương đương 2/3 mảng cây ăn trái.
Theo ông Đức, trong 7 tháng năm nay, HAGL đã xuất chuồng gần 106.000 con heo thịt và ghi nhận 584 tỷ đồng doanh thu, tương đương 5,5 triệu đồng/con. Riêng tháng 7, công ty xuất chuồng hơn 23.400 con heo thịt và thu về 154 tỷ đồng, tương đương 6,6 triệu đồng/con nhờ giá heo hơi tăng.
Trước đó, năm 2015, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã thành lập Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hoà Phát chuyên cung cấp heo giống và heo thịt. Đến nay, công ty sở hữu 6 trang trại quy mô lớn tại các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Bình Phước… tổng diện tích 359 ha.
Năm 2021, quy mô chăn nuôi heo của Hòa Phát đã đạt gần 450.000 con, gồm cả heo thịt và heo giống. Nửa đầu năm nay, tập đoàn này cũng ghi nhận sản lượng heo tiêu thụ các loại đạt gần 200.000 con.
Tương tự, cuối năm 2018, Masan cũng gia nhập thị trường chăn nuôi heo với việc đẩy mạnh đầu tư chuỗi cung ứng - trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ - và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATLife.
Hiện mảng kinh doanh này của tập đoàn do Công ty Masan MEATLife, vận hành với trang trại nuôi heo kỹ thuật cao tại tỉnh Nghệ An - MML Farm Nghệ An - quy mô 223 ha, công suất 250.000 con heo hơi/năm.
Công ty này cũng vận hành 2 tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và Long An với công suất 1,4 triệu con/tổ hợp/năm, tương đương 140.000 tấn/tổ hợp/năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Thaco tỷ phú Trần Bá Dương gia nhập thị trường chăn nuôi và sản xuất thịt heo từ năm 2019 với việc thành lập Thagrico. Hiện tập đoàn này sở hữu 7 trang trại nuôi heo tại Bình Định, An Giang và Đắk Lắk với tổng diện tích 2.348 ha, quy mô gần 310.000 con.
Vì sao bán heo hấp dẫn?
Việc hàng loạt đại gia trong nước bước chân vào ngành chăn nuôi và bán heo diễn ra trong bối cảnh thị trường này đã ghi nhận tăng trưởng liên tục trong những năm qua và giá thịt heo cũng đã tăng lên mặt bằng mới sau dịch bệnh Covid-19.
Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng cả nước vào khoảng 2,1163 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2021, sản lượng này cũng đã tăng 8,1% bất chấp tình trạng dịch bệnh tai xanh diễn ra trên cả nước.
Về giá heo hơi, từ cuối tháng 8 đến nay ghi nhận giá heo hơi khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 65.000-69.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên đạt khoảng 60.000-67.000 đồng/kg và tại miền Nam là 60.000-67.000 đồng/kg.
Dù vẫn thấp hơn so với quý I/2021, nhưng giá heo hơi trong nước hiện đã cao hơn 45-48% so với đầu năm. Bên cạnh đó, trong những tháng gần đây, giá heo hơi đã ghi nhận xu hướng tăng liên tục.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, giá heo hơi bắt đầu tăng nhanh từ giữa tháng 6. Bên cạnh các yếu tố trong nước như nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi cao, chi phí logistics tăng… giá thịt heo Trung Quốc tăng trở lại cũng đã ảnh hưởng đến giá heo hơi khu vực miền Bắc (do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt heo chính của Việt Nam qua đường tiểu ngạch).
Cụ thể, trong quý II, giá heo hơi trung bình tại Trung Quốc đạt khoảng 14,9 nhân dân tệ/kg, tăng 6% so với quý trước. Dù vẫn thấp hơn 26% so với mức nền giá cao trong quý I/2021, giá heo hơi tại thị trường này đã phục hồi 5,3% trong tháng 6 và tiếp tục tăng vọt lên hơn 22 nhân dân tệ/kg vào tháng 7.
Với diễn biến kể trên, VNDirect dự báo giá heo hơi trong nước có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg trong quý III này và đạt đỉnh, trước khi hạ nhiệt vào quý IV. Tính trong nửa cuối năm, giá heo hơi bình quân sẽ đạt 65.500 đồng/kg, cao hơn gần 32% so với cùng kỳ và đạt 60.000 đồng/kg trong cả năm 2022.
Không chỉ hưởng lợi từ giá thịt heo tăng, các chuyên gia phân tích còn cho rằng các doanh nghiệp ngành này còn hưởng lợi khi giá ngũ cốc thế giới hạ nhiệt, từ đó tác động giảm giá thức ăn chăn nuôi.
Dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu cả năm của World Bank, VNDirect dự báo giá các loại ngũ cốc sẽ giảm 6-10% trong nửa cuối năm nay, kéo theo đó là giá thức ăn chăn nuôi trong nước có thể giảm dần từ quý IV.
"Miếng thịt mát" hơn 10 tỷ USD
Tiềm năng thị trường chăn nuôi heo thấy rõ, tuy nhiên, đây chưa phải đích đến của các đại gia khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng kinh doanh này. Theo đó, đích đến của cả Hòa Phát, Masan, Thaco, HAGL khi bước chân vào ngành này đều là thị trường thịt thương hiệu (dạng mát) với quy mô hơn chục tỷ USD.
Cụ thể, trong báo cáo thường niên 2021 của Masan MEATLife, công ty này ước tính thị trường thịt heo trong nước có quy mô khoảng 15 tỷ USD, trong đó riêng thị trường thịt mát chiếm hơn 10 tỷ USD, cao nhất trong các nhóm sản phẩm ngành F&B.
Tại thị trường trong nước, thịt heo thương hiệu (dạng mát) lần đầu được giới thiệu tới người tiêu dùng từ tháng 9/2018 bởi Masan MEATLife. Giá các sản phẩm thịt này cao hơn 15-20% so với thịt heo thông thường (thịt nóng).
Tại thời điểm gia nhập thị trường, ban lãnh đạo Masan MEATLife đánh giá thị trường thịt mát có quy mô hơn 10,2 tỷ USD và không có người dẫn đầu, 99% sản phẩm không có thương hiệu.
Công ty này khi đó đặt ra lộ trình đến năm 2020 chiếm 3% thị phần tiêu thụ thịt heo cả nước và tăng lên 10% vào năm 2022, qua đó trở thành nhà sản xuất, phân phối thịt mát đóng gói có thương hiệu lớn nhất Việt Nam, với doanh thu khoảng 2- 3 tỷ USD /năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 200- 450 triệu USD /năm.
Đến nay, trước sự tham gia của nhiều ông lớn cả trong và ngoài nước, kế hoạch này đã được rời xuống năm 2025.
Tương tự, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, cho biết nuôi heo mà chỉ bán heo hơi giống như là "bán lúa non", vì phần lớn lợi nhuận trong chuỗi giá trị ngành heo đến ở khâu giết mổ và phân phối.
Vì vậy, mới đây, tập đoàn này cũng đã ra mắt thương hiệu thịt heo Bapi HAGL với sản phẩm chủ lực là thịt heo ăn trái chuối (dạng mát) cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt như thịt nguội, chả lụa, xúc xích… Đích đến của bầu Đức và HAGL không gì khác, ngoài một phần trong miếng thịt hơn 10 tỷ USD của ngành này.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp trong nước như Vissan, Hòa Phát, Thaco cũng đã mở rộng chuỗi giá trị ngành heo đến khâu giết mổ và phân phối, thay vì bán heo giống và heo hơi thông thường.
Không riêng các đại gia trong nước, sau khi Masan MEATLife bước chân vào thị trường thịt mát năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp ngoại như GreenFeed, CJ Vina Agri, C.P Group… đều đã tham gia vào thị trường này.