Giá khí đốt tại thị trường châu Âu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/8), khi các nhà giao dịch đánh giá sự gia tăng của dự trữ khí đốt trong khu vực và khả năng thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong mùa đông năm nay.
Trong phiên, có lúc giá khí đốt giao sau giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần. Lúc đóng cửa, giá khí đốt giảm 0,5%.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Dữ liệu từ Hạ tầng Khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe) cho thấy dự trữ khí đốt của các nước châu Âu hiện đạt 72%, gần mức bình quân 5 năm của thời điểm này hàng năm. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn nhiều.
Trong kịch bản xấu nhất, Chính phủ Anh cho rằng nước này có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trong mùa đông năm nay, khi thời tiết lạnh giá kết hợp với sự khan hiếm nguồn cung khí đốt – theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Bloomberg. Khả năng phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này đã nằm trong kế hoạch ứng phó của châu Âu.
Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), cần cắt giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt để có thể vượt qua mùa sưởi ấm sắp tới và tiếp theo – ông Klaus Mueller, Chủ tịch cơ quan mạng lưới liên bang Đức BNetzA, phát biểu ngày 9/8. Để bình ổn và giảm giá khí đốt, tất cả các nước EU đều cần phải tiết kiệm khí đốt - ông Mueller nhấn mạnh khi xuất hiện trên kênh truyền hình ZDF TV.
Châu Âu đang ra sức làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông đến nhằm ứng phó với khả năng Nga có thể cắt giảm thêm nguồn cung khí đốt đối với khu vực này. Để đạt mục tiêu dự trữ khí đốt, châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG), nhất là từ Mỹ và các nước Trung Đông.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, phương Tây đã triển khai một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Moscow được cho là đáp trả sự trừng phạt này bằng cách “siết van” khí đốt – dù Nga luôn khẳng định họ không “vũ khí hoá” năng lượng như cáo buộc của châu Âu và sự suy giảm nguồn cung chẳng qua là do vấn đề kỹ thuật và do chính sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Dòng chảy khí đốt từ Nga ngày càng yếu đã đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng, đe doạ toàn bộ nền kinh tế khu vực.
Lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm còn 20% công suất đường ống kể từ cuối tháng 7. Hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom nói rằng việc giảm lượng khí đốt cung cấp qua đường ống này là do một turbine mang đi bảo trì chưa thể được đưa trở lại. Trong khi đó, phía Đức nói đã sẵn sàng để giao lại turbine này nhưng Nga chưa nhận.
“Thị trường đang cảm thấy tin tưởng rằng đến mùa thu này dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu sẽ đạt mục tiêu mà EU đề ra”, một báo cáo của công ty giao dịch Energy Danmark nhận định. “Tuy nhiên, khi dòng chảy khí đốt từ Nga tiếp tục suy giảm, vẫn còn đó nhiều mối lo về nguồn cung trong mùa đông này. Vì thế, giá khí đốt vẫn còn ở mức cao”.
Giá khí đốt giao tháng tới tại Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, đóng cửa ở mức 192,18 Euro/megawatt giờ, sau khi giảm còn 187,5 Euro trong phiên giao dịch - mức thấp nhất kể từ hôm 26/7. Giá khí đốt tại thị trường Anh tăng 0,6%.
Nhiều nước châu Âu đang chuẩn bị đó một đợt sóng nhiệt mới và nhu cầu điện để làm mát có thể tăng mạnh. Giá điện giao năm 2023 của Đức lập kỷ lục 406,96 Euro/megawatt giờ trên sàn European Energy Exchange. Giá điện Pháp cũng tăng 2,2%, lên mức cao chưa từng thấy.