Chốt phiên giao dịch ngày 27/6 (theo giờ địa phương), giá hầu hết các kim loại công nghiệp quan trọng trên thị trường quốc tế đã hồi phục trở lại. Cụ thể, giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng nhẹ 0,4% lên 8.417,50 USD/tấn.
Giá thiếc tăng tới 9,8%, giá nickel tăng 2,2% và giá nhôm tăng 1,6%. Đi ngược lại xu hướng chung toàn thị trường, giá thiếc giảm 1%, chủ yếu do lượng tồn kho thiếc tại các kho thuộc sử quản lý của sàn LME đã tăng lên.
Trong tuần trước, giá các kim loại công nghiệp đã lao dốc mạnh do lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng cao hơn khi nhiều ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng kim loại trở nên tiêu cực.
Tính chung cả tuần trước, giá kim loại đồng đã giảm 6,5% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Giá thiếc giảm 22% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2005, giá nickel giảm 13%, giá nhôm giảm 2% và giá kẽm giảm 5%.
Thị trường kim loại công nghiệp hồi sau khi Trung Quốc tuyên bố nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vốn được áp dụng trong gần 3 tháng vừa qua. Điều này giúp nhiều nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động sản xuất công nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ sớm trở lại bình thường, qua đó giúp nhu cầu sử dụng kim loại tăng lên. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ kim loại lớn hàng đầu thế giới.
Tâm lý trên thị trường cũng được cải thiện nhờ thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra các chính sách kích thích kinh tế phù hợp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Trong ngày 27/6, Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc do Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này trong nửa cuối năm nay có thể lên tới 6,4%, qua đó đưa tăng trưởng GDP cả năm lên mức 4,7%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng đã cam kết sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Đồng thời, đà phục hồi của giá các kim loại công nghiệp cũng được hỗ trợ bởi việc đồng USD suy yếu so với các đồng tiền chính trên thế giới, giúp gia tăng sức hấp dẫn của các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, giới quan sát cho biết thị trường kim loại công nghiệp vẫn đang bị kìm hãm bởi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện thị trường tập trung quan sát báo cáo Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 6 của Trung Quốc nhằm đánh giá nhu cầu sử dụng kim loại của Trung Quốc; dự kiến báo cáo này sẽ được công bố trong tuần sau.