Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 8/7, giá quặng sắt giao tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) bật tăng mạnh 4,2% lên 782 Nhân dân tệ (116,72 USD)/tấn - chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/7.
Trên thị trường giao ngay, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường SteelHome (Trung Quốc) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đạt 114 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 7/7, giảm 3% so với mức giá ghi nhận cuối tuần trước.
Giới phân tích cho biết giá quặng sắt tại Trung Quốc bật tăng trở lại sau 6 phiên giảm giá liên tiếp chủ yếu nhờ kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép tại nước này sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế. Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng thép thô và có mức nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết Bộ Tài chính Trung Quốc hiện đang cân nhắc cho phép các địa phương nước này phát hành lượng trái phiếu trị giá tới 220 tỷ USD trong nửa cuối năm nay để đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Thông thường hoạt động xây dựng chiếm đến 40% tổng nhu cầu sử dụng thép hàng năm tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong ngày 7/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này cần nỗ lực hơn nữa nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu chậm lại kể từ quý 2 khi nước này áp dụng các biện pháp phong toả tại nhiều khu vực nhằm kiểm soát các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.
Trong khi đó, thị trường giao dịch quặng sắt tại Singapore phản ứng tương đối thận trọng với các tin tức mới tại Trung Quốc. Trong phiên giao dịch sáng nay, giá quặng sắt giao tháng 8/2022 trên Sàn giao dịch Singapore (SGX) giảm nhẹ 0,7% xuống mức 112,80 USD/tấn, hướng đến tuần giảm giá thứ 4 trong vòng 5 tuần giao dịch trở lại đây.
Chuyên gia phân tích hàng hoá Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (Australia) cho biết sự phục hồi của thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng tại Trung Quốc sẽ không thực sự có ý nghĩa đối với thị trường thép cũng như quặng sắt khi Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phong toả trong thời gian tới.
Theo ông Vivek Dhar, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách zero-Covid mới là động lực chính để thúc đẩy đáng kể nhu cầu sử dụng thép cũng như tiêu thụ quặng sắt tại Trung Quốc.
Trong những phiên giao dịch gần đây, giá quặng sắt liên tục chịu áp lực giảm sâu khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong toả, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống, kéo theo đó là triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép suy yếu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc tạm ngưng hoạt động hoặc giảm công suất do lượng thép tồn kho trên thị trường ở mức cao.
Trong phiên giao dịch sáng nay, trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thép xây dựng đã giảm 0,3%, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,4% và giá thép không gỉ tăng 2,1%.