Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo điều chỉnh giảm giá bán mặt hàng này lần thứ 15. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Kyoei, Việt Ý, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000-400.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Riêng lần điều chỉnh này, thép Pomina là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất, hơn 800.000 đồng/tấn. Theo đó, thương hiệu này tại miền Trung giảm 100.000-810.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300 về mức tương ứng 14,88 triệu đồng/tấn và 15,58 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 14,72 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, Hòa Phát tại miền Bắc giảm 200.000 đồng và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống tương ứng 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thương hiệu này điều chỉnh giảm 2 loại thép trên ở mức 200.000-350.000 đồng/tấn xuống còn 14,47 triệu/tấn và 14,98 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức miền Bắc, 2 loại thép giảm lần lượt 400.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn xuống còn 14,04 triệu đồng/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.
Với đợt giảm mới nhất, các mặt hàng thép trong nước đã ghi nhận lần giảm giá thứ 15 liên tiếp kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm trên dưới 5 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện tại, giá mặt hàng này đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm nay nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021 khoảng 3 triệu đồng/tấn.
Do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, cùng nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá thép nhằm kích cầu. Tại thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai ngày 23/8 là 4.055 nhân dân tệ/tấn (tương đương 589 USD /tấn), tăng hơn 1% so với ngày trước đó.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, sản xuất thép thành phẩm 7 tháng đầu năm đạt 18,82 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2%, trong đó xuất khẩu đạt 4,146 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép giảm 17,49% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5 tỷ USD tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 6,49 triệu tấn với trị giá hơn 6,97 tỷ USD, giảm 8,58% về lượng nhưng tăng 20,32% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng giá thép giảm có thể kéo dài đến hết quý III. Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm không mấy khả quan bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc ảm đạm và mùa cao điểm xây dựng đã qua...