Tại sao giá trị đồng euro lại giảm sâu?
Châu Âu là khu vực chịu tác động lớn nhất từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Xung đột đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng cho khu vực láng giềng và có thể dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế sâu và kéo dài. Điều này đã đặt Ngân hàng châu Âu vào thế khó: vừa cố gắng kiềm chế lạm phát vừa phải tạo nền tảng thúc đẩy một nền kinh tế đang chậm lại. Trong khi đó, ngân hàng vừa tăng lãi suất lần đầu kể từ năm 2011.
Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất nhanh hơn so với khu vực đồng tiền chung euro. Điều này đã khiến lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ cao hơn so với lãi suất khi đi vay ở các ngân hàng châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và ngại đầu tư vào đồng euro.
Tại sao đồng tiền yếu đi lại là tín hiệu xấu?
Trong nhiều năm qua, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, làm đồng tiền yếu đi là một phương pháp kích thích tăng trưởng kinh tế khi giúp hàng hoá xuất khẩu có giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, với tốc độ lạm phát tại khu vực đồng euro đang ở mức cao lịch sử, đồng tiền yếu đi sẽ khiến hàng hoá nhập khẩu tăng cao. Vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng euro đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoài. Một số nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh đồng euro yếu hơn là một rủi ro đối với mục tiêu ngân hàng trung ương - kiềm chế lạm phát dưới 2% trong trung hạn.
Tỉ lệ 1 euro tương đương 1 USD có quan trọng không?
Rất quan trọng. Đây là một ngưỡng tâm lý đối với thị trường. Lần đầu tiên, đồng euro giảm ngang giá với đồng USD là vào tháng 12/1999. Cũng như hiện tại, các nhà phân tích đã chỉ ra sự chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu của Đức và Hoa Kỳ cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ. Điều này như một vết đâm đối với niềm tự hào của người châu Âu, những người coi đồng tiền chung là dự án chính trị quan trọng, nhằm đối trọng lại sự thống trị của đồng USD. Ngày nay, đồng euro cũng được coi là một trong những đồng tiền quan trọng để giao dịch và dự trữ.
Đáy của đồng euro?
Khó có thể nói euro khi nào sẽ chạm đáy. Một số nhà phân tích dự đoán đồng tiền chung euro có thể trượt xuống 0,9 USD nếu như Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Kể từ đầu tháng 7, nhiều nhà giao dịch đã đặt cược đồng euro sẽ rơi xuống 0,95 USD hoặc 0,985 USD.
Cách nào để lật ngược tình thế?
Thu hẹp chênh lệch lãi suất với các thị trường trái phiếu toàn cầu khác. Thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo sẽ tăng 150 điểm cơ bản trong vòng 3 tháng, Ngân hàng châu Âu không có động thái nào và giữ nguyên mức lãi suất chủ chốt của mình. Sau đó, các nhà hoạch định chính sách mới thông báo sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 9, nhiều nghi ngờ đã nảy sinh về khả năng duy trì mức lãi suất cao. Bởi lẽ, Ngân hàng châu Âu khó nâng lãi suất hơn các ngân hàng trung ương khác do một số nước châu Âu đi vay nhiều có thể phải chịu chi phí nợ cao hơn, gây sức ép lên các quốc gia.
Liệu đây có phải là một cuộc khủng hoảng không?
Không. Trên thực tế, đồng tiền chung euro đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá khứ. Kể từ khi thành lập, nhiều người đã chỉ ra rằng rất khó để quản lí một liên minh tiền tệ của các nền kinh tế khác nhau. Điều này trở nên rõ ràng vào năm 2012, khi nhiều quốc gia châu Âu đã lâm vào khủng hoảng nợ công. Nhiều nhà đầu tư đã tránh xa các nước ôm nợ nhiều như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha.
Tháng 7/2012, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu khi đó - ông Mario Draghi cam kết sẽ làm “bất kỳ điều gì cần thiết” để cứu đồng tiền chung. Tuy nhiên, có rất hiếm sự can thiệp trực tiếp để hỗ trợ đồng euro trên thị trường ngoại hối.