Lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây, tỷ giá hối đoái giữa đồng Euro và đồng USD gần như ngang bằng nhau. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/7), đồng bạc xanh chỉ còn cách chưa đầy 1 cent nữa là ngang giá với đồng tiền chung châu Âu.
Có lúc, đồng Euro giảm còn 1,004 USD đổi 1 Euro, giảm khoảng 12% so với thời điểm đầu năm. Nỗi lo xảy ra suy thoái kinh tế ở châu Âu - do lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraine - được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến đồng Euro trượt giá.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bắt đầu có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm vào tháng 7 này để chống lại đà leo thang của giá cả, khi lạm phát trong khu vực Eurozone lập kỷ lục mới ở mức 8,6% trong tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, nếu ECB tăng lãi suất mạnh tay để khống chế lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ càng lớn.
“Mối lo lớn nhất trước mắt đối với thị trường là liệu Nord Stream 1 có hoạt động trở lại đúng kế hoạch hay không. Thị trường sẽ phản ánh vào giá các tài sản một cuộc suy thoái ở châu Âu nếu đường ống này bị trì hoãn nối lại hoạt động”.
Chuyên gia ngoại hối Bipan Rai của CIBC Capital Markets
Ở thời điểm hiện tại, một số nhà phân tích nhận định rằng ECB đang chậm chân so với lạm phát, và một cuộc “hạ cánh cứng” của kinh tế Eurozone là điều khó tránh khỏi.
Tuần trước, Đức ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hoá lần đầu tiên kể từ năm 1991 do giá xăng dầu tăng và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đẩy giá nhập khẩu tăng cao.
“Xét tới bản chất hoạt động xuất khẩu của Đức có sự phụ thuộc lớn vào giá cả hàng hoá cơ bản, thật khó để hình dung cán cân thương mại của nước này có thể cải thiện nhiều trong vài tháng tới đây, xét tới sự giảm tốc đã được dự báo của nền kinh tế Eurozone”, một báo cáo của Saxo Bank nhận định.
Loạt động thái nâng lãi suất mạnh tay của các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cộng với tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã gây áp lực giảm lên đồng Euro, đồng thời thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến với đồng USD như một “hầm trú ẩn”. Nếu tính từ đầu năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng gần 13%.
Fed đang đi trước nhiều so với ECB trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Mỹ đã có đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mạnh nhất 28 năm, vào tháng 6 vừa qua, và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy tương tự trong cuộc họp tháng 7.
Trong một báo cáo vào tuần trước, ông George Saravelos - trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của ngân hàng Đức Deutsche Bank – nói rằng nhu cầu nắm giữ đồng USD như một tài sản an toàn có thể tăng cao hơn nữa nếu kinh tế châu Âu và Mỹ rơi vào suy thoái. Nhà nghiên cứu này nói rằng khả năng đồng Euro giảm dưới mức ngang giá USD, còn 0,95-0,97 USD đổi 1 Euro, là hoàn toàn có thể xảy ra “nếu cả châu Âu và Mỹ cùng rơi vào một cuộc suy thoái sâu trong quý 3 trong khi Fed vẫn tiếp tục nâng lãi suất”.
Trong phiên giao dịch ngày 11/7, có lúc Dollar Index đạt 108,5 điểm, cao nhất kể từ tháng 12/2002.
Một nguyên nhân quan trọng khác đẩy đồng Euro giảm giá mạnh là cuộc khủng hoảng khí đốt đang leo thang ở châu Âu. Đường ống lớn nhất dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức là Nord Stream 1 đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ trong vòng 10 ngày. Châu Âu đang lo ngại rằng Nga sẽ tìm cách kéo dài cuộc bảo trì, thậm chí là nhân dịp này cắt luôn khí đốt, để gia tăng sức ép lên châu Âu - một mối nghi ngờ mà Moscow phủ nhận.
Nếu Nga cắt cung cấp khí đốt cho Đức, nguy cơ suy thoái kinh tế châu Âu sẽ càng lớn hơn bao giờ hết.
“Mối lo lớn nhất trước mắt đối với thị trường là liệu Nord Stream 1 có hoạt động trở lại đúng kế hoạch hay không”, chuyên gia ngoại hối Bipan Rai của CIBC Capital Markets nhận định, và nói thêm rằng “thị trường sẽ phản ánh vào giá các tài sản một cuộc suy thoái ở châu Âu” nếu đường ống này bị trì hoãn nối lại hoạt động.
Đối với du khách Mỹ có ý định thăm châu Âu trong mùa hè này, việc đồng Euro giảm giá mạnh so với USD là một tin vui. Tuy nhiên, điều đó có thể là một “điềm xấu” cho sự ổn định của kinh tế toàn cầu.