Tác động từ cuộc họp tháng 12 của Fed đang được phơi bày rõ ràng hơn. Điều này đè nặng lên thị trường chứng khoán, vàng và tiền mã hóa.
Một ngày sau cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số USD tăng vọt gần 1%. Chỉ số này đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác.
Tính đến 14h15 ngày 16/12 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD giảm nhẹ về 104,3 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán và vàng chịu sức ép lớn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12 (giờ Mỹ), giá của mỗi ounce vàng trên sàn New York lao dốc 30,8 USD xuống 1.777 USD.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ năm, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 764 điểm, tương đương 2,25%, còn 33.202 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm tới 99,57 điểm, tương đương 2,49%, xuống 3.895,75 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm mạnh nhất với 3,23% về 10.810 điểm.
Chứng khoán, vàng và Bitcoin đều rớt giá
Giá Bitcoin cũng chịu áp lực từ đà bán tháo đối với các tài sản rủi ro. So với 24 giờ trước đó, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - giảm 1,45%. 5 tỷ USD đã bốc hơi khỏi vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa trong vỏn vẹn một ngày.
Bitcoin từng được coi là một dạng "vàng kỹ thuật số". Nhưng trong vài năm trở lại đây, đồng tiền này thường biến động cùng chiều với chứng khoán.
Các chỉ số lạm phát thấp hơn dự kiến đã hoàn toàn bị Fed gạt sang một bên. Cơ quan này vẫn chưa tính đến chuyện cắt giảm lãi suất
Ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com
Thị trường dầu cũng chịu sức ép từ đà tăng trưởng của đồng bạc xanh. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã giảm từ hơn 83 USD/thùng xuống 81,054 USD/thùng. Dầu WTI cũng giảm giá gần 2 USD mỗi thùng.
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất đã đè nặng lên đồng bạc xanh. Nhưng đà giảm nhanh chóng đảo chiều bởi lập trường kiên quyết của ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát.
"Fed vẫn giữ lập trường 'diều hâu' dù đã giảm tốc độ tăng lãi suất. Động thái của ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc họp chính sách tháng 12 được giới quan sát dự đoán từ trước. Nhưng cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thắt chặt tiền tệ", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London) - nhận định với Zing.
"Các chỉ số lạm phát thấp hơn dự kiến đã hoàn toàn bị Fed gạt sang một bên. Cơ quan này vẫn chưa tính đến chuyện cắt giảm lãi suất", ông Wilson nhận định.
USD trở lại đà tăng
Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12 (theo giờ địa phương), Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Đây là điều đã được đa số nhà đầu tư dự đoán từ trước. Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng dữ liệu lạm phát trong tháng 10 và tháng 11 cho thấy xu hướng giảm "đáng hoan nghênh".
"Nhưng chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững", ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh rằng cần tiếp tục đối phó với lạm phát. Chỉ có như vậy, xu hướng tăng của giá cả mới chấm dứt.
Đáng nói, các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024.
Theo dot plot - biểu đồ thể hiện kỳ vọng lãi suất của từng thành viên FOMC, mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng được dự đoán là 5,1%, tương đương phạm vi mục tiêu 5-5,25%. Đến lúc đó, Fed có thể tạm ngừng tác động tới nền kinh tế thông qua những chính sách tiền tệ thắt chặt.
Các quan chức Fed tin rằng những đợt tăng lãi suất liên tục sẽ rút bớt tiền khỏi nền kinh tế. Điều này có thể làm giảm nhu cầu và kéo giá cả đi xuống. Lạm phát tại Mỹ đã vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm.