Giá vàng thế giới tạm thoát khỏi mức đáy của 2 năm rưỡi và chuyển sang giằng co trong vùng hẹp, nhưng giới chuyên gia tiếp tục bi quan về triển vọng giá vàng trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu. Quỹ vàng khổng lồ SPDR Gold Trust vẫn bán ròng, trong khi giá vàng miếng trong nước gần như “bất động”.
Lúc gần 9h sáng nay (23/9) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.675,6 USD/oz, tăng 3,6 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại Mỹ.
Trong phiên đêm qua tại thị trường New York, giá vàng giảm 2,5 USD/oz, tương đương giảm 0,15%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư, còn 1.672 USD/oz. Sáng hôm qua, giá vàng giảm về ngưỡng 1.660 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương khoảng 48,1 triệu đồng/lượng, cao hơn 400.000 đồng/lượng so với sáng qua, một mặt do giá vàng thế giới thoát đáy mặt khác do tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng.
Giá vàng vẫn đang đương đầu với áp lực giảm giá từ việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đồng loạt tăng lãi suất để chống lạm phát, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cùng với động thái nâng lãi suất của Fed vào ngày thứ Tư tuần này, gần một chục ngân hàng trung ương khác từ Indonesia tới Na Uy cũng tăng lãi suất trong ngày thứ Tư và thứ Năm, kèm theo đó là dự báo sẽ tiếp tục nâng trong thời gian tới, để chống lại lạm phát dao động từ 3,5% ở Thuỵ Sỹ cho tới xấp xỉ 10% ở Anh. Các nền kinh tế khác tăng lãi suất trong đợt này còn có Thuỵ Điển và Philippines.
Vàng là tài sản không có lãi suất, nên môi trường lãi suất tăng thường đặt ra sức ép giảm giá lên vàng.
Ngoài ra, giá vàng còn đang chịu ảnh hưởng bất lợi từ xu hướng tăng giá không nghỉ của đồng USD và đà đi lên của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trong phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tiếp tục lập đỉnh mới của 20 năm ở mức hơn 111,8 điểm. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh mốc 111,2 điểm, giảm từ mức 111,7 điểm vào sáng hôm qua.
Theo dữ liệu từ trang Market Watch, Dollar Index đã tăng gần 16% từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng giảm hơn 7%.
Cũng trong phiên ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 11 năm.
“Giá vàng suy yếu vì đồng USD mạnh lên và lợi suất tăng. Triển vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất đang đặt ra hạn chế lớn đối với giá vàng”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures nhận định với hãng tin CNBC.
“Xu hướng chung của giá vàng là tiêu cực, vì Fed đã nói là họ quyết tâm nâng lãi suất”, chiến lược gia Bart Melek của TD Securities phát biểu. “Điều này sẽ khiến giá vàng giảm dưới 1.600 USD/oz trong tương lai không xa”.
Tâm lý bi quan về triển vọng giá vàng trên thị trường quốc tế còn thể hiện qua việc quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust không ngừng bán ròng từ đầu tuần đến nay. Phiên ngày thứ Năm, quỹ bán thêm 1,1 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 950,1 tấn. Chỉ trong vòng 4 phiên, quỹ đã bán hơn 10 tấn vàng.
Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,6 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,55 triệu đồng/lượng và 51,35 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,85 triệu đồng/lượng và 66,65 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,5 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 23.565 đồng (mua vào) và 23.845 đồng (bán ra), tăng 10 đồng so với sáng qua.