Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên sáng nay (22/9) do sức ép từ chủ trương chính sách tiền tệ cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng miếng trong nước “bất động”, khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng bán lẻ với giá vàng quốc tế quy đổi tăng lên gần 19 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 14,5 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ, tương đương giảm gần 0,9%, đứng ở mức 1.660,2 USD/oz – theo dữ liệu từ trang Kitco. Đây là mức giá thấp nhất của vàng thế giới kể từ tháng 4/2020.
Trước đó, giá vàng đã tăng trong phiên ngày thứ Tư tại thị trường New York. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tăng 8,3 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,5%, chốt ở 1.674,7 USD/oz.
Phiên tăng giá đêm qua của vàng được cho là nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro gia tăng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin huy động quân dự bị cho cuộc chiến tranh ở Ukraine. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng cho rằng nhu cầu nắm giữ vàng sẽ gia tăng khi một số nền kinh tế lớn, thậm chí kinh tế toàn cầu, rơi vào suy thoái vì lãi suất tăng mạnh.
Tuy nhiên, ngay trong sáng nay, mối lo về ảnh hưởng tiêu cực đối với giá vàng từ chính sách tiền thắt chặt đã quay trở lại chi phối thị trường, khiến giá vàng lao dốc.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed ngày 21/9 nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm - một động thái không nằm ngoài dự báo. Dù vậy, điều khiến giới đầu tư vàng lo ngại là Fed dự kiến tiếp tục tăng mạnh lãi suất và sẽ không sớm cắt giảm lãi suất, chấp nhận tổn thất mà lãi suất cao có thể gây ra cho tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu chống lạm phát.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất “kịch kim” lên mức 4,6% để chống lại tình trạng lạm phát cao dai dẳng ở Mỹ. Đó là ngưỡng lãi suất mà Fed dự kiến sẽ dừng việc thắt chặt. Fed cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục có những đợt nâng với bước nhảy lớn trong thời gian tới để đến cuối năm nay đưa lãi suất lên 4,4% và đến cuối năm 2023 đạt mức lãi suất tối đa như đề cập ở trên. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay đến hết năm sau, Fed chưa cắt giảm lãi suất.
Vàng là tài sản không mang lãi suất nên giá vàng thường chịu áp lực giảm trong môi trường lãi suất tăng và ngược lại.
Ngoài ra, tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng sau cuộc họp của Fed cũng tạo thêm áp lực mất giá lên vàng.
Chỉ số Dollar Index tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Tư, đạt mức cao nhất mới của 20 năm. Đồng Euro trượt giá gần 1,3%, còn 0,9843 USD đổi 1 Euro. Sáng nay, Dollar Index dao động quanh mức 111,7 điểm, từ mức 110,2 điểm vào sáng hôm qua.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt nhưng quay đầu giảm sau đó, về mức 3,516% vào cuối phiên ngày thứ Tư. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt 4,123%, cao nhất kể từ tháng 10/2007, sau đó giảm còn 4,0506%.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 1,1 tấn vàng trong phiên ngày thứ Tư, giảm nắm giữ còn gần 952,2 tấn. Trong 3 phiên đầu tuần, quỹ đã xả khoảng 9 tấn vàng. Trong vòng nửa tháng, quỹ đã bán ròng khoảng 22 tấn vàng.
Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không đổi ở chiều bán ra so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,45 triệu đồng/lượng và 51,25 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,85 triệu đồng/lượng và 66,65 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 23.555 đồng (mua vào) và 23.835 đồng (bán ra), tăng 25 đồng so với sáng qua.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 47,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 18,9 triệu đồng/lượng.