Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy giá vàng là một trong những điểm nhấn đáng chú ý.
Theo đó, Tổng cục Thống kê nhận định giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.322,36 USD/ounce, tăng 8,54% so với tháng 3/2024 do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước; tăng 17,01% so với tháng 12/2023; tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.
Trong khi đó, về chỉ số giá đô la Mỹ, theo Tổng cục Thống kê, trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ tăng do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra thời gian cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao. Tính đến ngày 25/4/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 104,95 điểm, tăng 1,4% so với tháng trước. Trong nước, nhu cầu đô la Mỹ của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.120 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 3,03% so với tháng 12/2023; tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%.
Bên cạnh việc giá vàng tăng “nóng”, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các mặt hàng khác nhìn chung tương đối bình ổn, theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng Tư tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Trước diễn biến nóng của giá vàng trong nước, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lần đầu tiên tổ chức đấu thầu vàng miếng sau 11 năm. Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC do NHNN tổ chức ngày 23/4, có 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp dự thầu. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu là 16.800 lượng.
Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu số lượng là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá trúng thầu này cao hơn 620.000-630.000 đồng so với giá tham chiếu 80,7 triệu đồng.
Kết quả phiên đấu thầu vàng cho thấy, chỉ được khoảng 20% lượng vàng có chủ mới, lượng vàng còn “ế” chiếm gần 80%.
Trước đó, ngày 19/4, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Xuân Tuấn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Tuấn, đến nay, cả nước có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, đến thời điểm này (19/4) có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu, loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phiên đấu giá vàng miếng vừa qua đánh dấu việc sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013.
Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.