Giá vàng thế giới bật lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước sáng nay (28/7) thậm chí không tăng mà còn giảm, khiến chênh lệch giữa giá trong nước với giá quốc tế giảm mạnh.
Lúc gần 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,05 triệu đồng/lượng và 52,85 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65 triệu đồng/lượng và 66 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi sáng nay là 49,3 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Do đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện cao hơn 16,7-16,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi, từ chỗ cao hơn 17,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.738,9 USD/oz, tăng 3,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Trong phiên Mỹ ngày thứ Tư, giá vàng giao ngay tăng 17,5 USD/oz, tương đương tăng hơn 1%, chốt ở 1.735,8 USD/oz.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đánh dấu đợt nâng thứ ba liên tiếp kể từ tháng 3 để chống lại lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, động thái này của Fed không nằm ngoài dự kiến, nên không tạo ra áp lực giảm mới đối với giá vàng.
“Từ trước cuộc họp này của Fed, hầu hết mọi người đã dự báo mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Tôi cho rằng mức tăng lãi suất đó đã được phản ánh vào giá các tài sản rồi”, Giám đốc điều hành công ty giao dịch kim loại quý GoldSilver Central, ông Brian Lan, phát biểu.
Theo ông Lan, điều mà thị trường quan tâm ở thời điểm này là Fed liệu có sử dụng công cụ nào để hỗ trợ nền kinh tế, hay chỉ tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát. Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định Fed giữ vững cam kết chống lạm phát, đồng thời nói ông không cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái.
Cũng theo ông Powell, các động thái chính sách tiếp theo của Fed, gần nhất là cuộc họp tháng 9, sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với những gì ông Powell đã nói, Fed có thể tăng lãi suất ít nhất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Nhìn trong dài hạn, chính sách thắt chặt của Fed đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với giá vàng. Từ mức trên 2.000 USD/oz vào tháng 3, giá vàng đến nay đã giảm hơn 300 USD/oz, do lãi suất Fed tăng nhanh và do đồng USD tăng giá mạnh.
Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu có thể giúp vàng phát huy vai trò “hầm trú ẩn”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/7 một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rằng rủi ro từ lạm phát cao và chiến tranh Ukraine, nếu không được kiểm soát, có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.
Mặc khác, nếu có suy thoái, các nền kinh tế có thể phải dừng tăng lãi suất, thậm chí giảm lãi suất. Trong trường hợp đó, giá vàng hưởng lợi.
Đồng USD giảm giá sau cuộc họp của Fed, với chỉ số Dollar Index hạ về mức 106,2 điểm, từ mức hơn 107 điểm vào sáng qua. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, chỉ số đã giảm gần 0,7%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, Dollar Index đã tăng gần 11%.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.240 đồng (mua vào) và 23.520 đồng (bán ra), tăng 25 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Trước đó, giá USD niêm yết tại ngân hàng này giảm 55 đồng trong vòng 2 ngày.