Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 27/7 nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm, trong nỗ lực kiềm chế đà leo thang của lạm phát sao cho không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell bày tỏ quan điểm lạc quan thận trọng khi cho rằng kinh tế Mỹ hiện không ở trong một cuộc suy thoái như nhiều người lo ngại.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 27/7, sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed - Ảnh: Reuters.
Đây là đợt tăng lãi suất thứ ba liên tiếp của Fed kể từ tháng 3 và là lần thứ hai liên tiếp ngân hàng trung ương này áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm, nhưng không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích. Lãi suất tham chiếu (fed fund rate), áp dụng cho các khoản vay qua đêm, theo đó tăng lên khoảng 2,25-2,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Hai lần nâng lãi suất của Fed trong tháng 6 và tháng 7, với bước nhảy như trên, là mạnh nhất kể từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất cho vay qua đêm như một công cụ chủ đạo của chính sách tiền tệ vào đầu thập niên 1990.
FED: Thị trường việc làm đang mạnh, hiện không có suy thoái
Sau cuộc họp tháng 6, giới chức Fed đã phát tín hiệu về một đợt nâng tiếp theo trong tháng 7 với mức tăng 0,75 điểm phần trăm. Gần đây, thị trường thậm chí cho rằng Fed có thể áp dụng bước nhảy 1 điểm phần trăm. Bởi vậy, động thái này của Fed không gây bất ngờ và nhận được phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ. Các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall đạt mức cao của phiên sau khi ông Powell để ngỏ các khả năng về cuộc họp tiếp theo của Fed trong tháng 9, nói rằng việc Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay không và tăng bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào các dữ liệu kinh tế.
“Khi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa, việc giãn tiến độ tăng lãi suất có thể sẽ là phù hợp, trong lúc chúng tôi đánh giá xem các động thái điều chỉnh chính sách đã có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và lạm phát”, ông Powell nói trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh, giới chức ngân hàng trung ương trên toàn cầu, trong đó có các nhà hoạch định chính sách của Fed, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát giá cả, cho dù việc này có thể đồng nghĩa với khiến cho nền kinh tế giảm tốc.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận quyết định lãi suất trong Fed - cảnh báo rằng “các chỉ báo gần đây của chi tiêu và sản xuất đã yếu đi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường việc làm vẫn diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp”. Đánh giá này của FOMC về thị trường lao động tương tự như nhận định đưa ra sau cuộc họp tháng 6.
Uỷ ban cũng một lần nữa miên tả lạm phát “đang ở mức cao” và cho rằng đây là hệ quả của những vấn đề trong chuỗi cung ứng, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, cùng với “các áp lực giá cả trên diện rộng”.
Tại cuộc họp báo, ông Powell nói ông không cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái, cho dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) nước này đã giảm 1,6% trong quý 1 và được dự báo chỉ tăng rất nhẹ trong quý 2. Theo khảo sát của Dow Jones, giới phân tích cho rằng GDP Mỹ chỉ tăng 0,3% trong quý vừa rồi.
“Tôi không nghĩ là kinh tế Mỹ hiện nay đang suy thoái, và lý do ở đây là có quá nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế đang hoạt động quá tốt. Thị trường lao động đang rất mạnh… nên không thể cho là nền kinh tế đang suy thoái”, vị quan chức ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nhấn mạnh.
Bao giờ FED sẽ hạ lãi suất?
Lần tăng lãi suất này của Fed nhận được phiếu thuận của tất cả các quan chức trong FOMC. Trong cuộc họp tháng 6, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George phản đối mức tăng 0,75 điểm phần trăm, cho rằng chỉ nên tăng 0,5 điểm phần trăm.
Chuỗi lần nâng lãi suất liên tiếp của Fed diễn ra sau gần 2 năm ngân hàng trung ương này giữ lãi suất ở ngưỡng 0-0,25% để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc do Covid-19 gây ra. Sự thắt chặt diễn ra trong bối cảnh lạm phát tháng 6 ở Mỹ là 9,1%, cao nhất kể từ cuối năm 1981 và vượt xa mục tiêu lạm phát chính thức 2% của Fed, do dù vào năm 2020 Fed đã có điều chỉnh nhằm cho phép lạm phát tăng nóng hơn một chút để đạt tới một thị trường việc làm toàn dụng và bao trùm.
Nguồn: Fed/CNBC.
Ông Powell nói Fed “cam kết mạnh mẽ” với viêc giảm lạm phát và điều này có thể dẫn tới sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế nói chung, đặc biệt là thị trường lao động.
“Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng cần phải giảm tốc. Nền kinh tế sẽ tăng chậm lại trong năm nay vì một vài lý do”, ông nói, cho rằng trong một thời gian, kinh tế Mỹ có khả năng sẽ tăng trưởng dưới xu hướng dài hạn. “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần một khoảng thời gian tăng trưởng dưới mức tiềm năng để tạo ra một sự suy giảm nhu cầu nhất định” để kiểm soát lạm phát.
Tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,6%, gần đạt mức toàn dụng lao động. Tuy nhiên, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn so với chỉ số CPI - tăng 4,7% trong tháng 5, một mức tăng vượt xa mục tiêu.
Kinh tế Mỹ sắp suy thoái, thậm chí có thể đang suy thoái rồi, là một vấn đề được nói đến nhiều ở Phố Wall thời gian gần đây. Sau cuộc họp của Fed, thị trường chờ báo cáo GDP của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 28/7. Hai quý suy giảm liên tiếp của GDP đáp ứng định nghĩa một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Cùng với việc tăng lãi suất, Fed tiếp tục giảm quy mô của bảng cân đối kế toán đã lên tới 9 nghìn tỷ USD do Fed đã mua tài sản để bơm tiền vào nền kinh tế trong thời gian đại dịch. Bắt đầu từ tháng 6, Fed dừng mua tài sản bằng tiền thu về từ một số trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bảng cân đối kế toán của Fed mới chỉ giảm 16 tỷ USD, cho dù mục tiêu của Fed đang là cắt giảm 47,5 tỷ USD mỗi tháng. Fed dự kiến đến tháng 9, tốc độ cắt giảm sẽ là 95 tỷ USD mỗi tháng.
Thị trường đang kỳ vọng Fed nâng lãi suất ít nhất nửa điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Theo dữ liệu của CME Group, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 53% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tới.
Tháng 8, Fed sẽ không có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Thay vào đó, hội nghị thường niên của Fed sẽ diễn ra tại Jackson Hole, Wyoming.
Giới phân tích hiện dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa hè sang năm, cho dù các dự báo mà FOMC đưa ra hồi tháng 6 nói rằng Fed có thể sẽ không hạ lãi suất cho tới ít nhất năm 2024.
Trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai phía. Có người cho rằng Fed quá chậm so với lạm phát vì giá cả đã bắt đầu tăng tốc từ năm 2021. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng Fed đang thắt chặt quá mạnh và có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.