Giá vàng thế giới tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên trong tháng 10. Số liệu này là cơ sở để một số nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp đến lúc bớt cứng rắn trong chính sách tiền tệ.
Theo báo cáo nói trên, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 261.000 công việc mới trong tháng 10, một mức tăng lớn hơn dự báo. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,7%, và chính tin xấu về kinh tế này lại làm gia tăng niềm lạc quan rằng sắp đến lúc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vàng là tài sản không mang lãi suất nên chiến dịch tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới từ đầu năm đến nay đã gây áp lực giảm lớn lên giá vàng. Bất kỳ dấu hiệu nào về sự bớt quyết liệt của chiến dịch này trong thời gian tới đều giải toả bớt sức ép đối với kim loại quý.
“Bản báo cáo việc làm của Mỹ đã ‘gãi đúng chỗ ngứa’ của thị trường, cho phép giá vàng tăng mạnh”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 52,1 USD/oz, tương đương tăng 3,2%, chốt ở 1.683,7 USD/oz. Cả tuần, giá vàng tăng 2,2%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 7, cho dù trong tuần, có lúc giá vàng đã có lúc giảm về mức thấp nhất 2 năm rưỡi.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 1,6%. Đồng USD mất giá khiến động lực tăng giá của vàng càng thêm mạnh, vì vàng được định giá bằng USD.
Chốt tuần, Dollar Index còn 110,8 điểm, từ mức gần 112 điểm của phiên trước. So với mức chốt của cuối tuần trước, chỉ số gần như đi ngang.
Theo nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda, các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang nghiêng về khả năng sắp đến Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại và giờ chưa phải là lúc tính đến chuyện Fed sắp dừng tăng lãi suất.
Sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed diễn ra vào ngày 1-2/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ quan điểm rằng Fed sẽ phải nâng lãi suất lên một mức đỉnh cao hơn so với dự tính trước đó, và hiện tại ngân hàng trung ương này chưa nghĩ đến việc dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn.
Tuy nhiên, chỉ cần Fed giảm tốc độ tăng lãi suất là giá vàng đã có cơ hội hồi phục. Tất cả sẽ tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế tiếp theo của Mỹ. “Nếu báo cáo lạm phát tuần tới của Mỹ cho thấy sự suy yếu của giá cả, vàng có thể tăng lên ngưỡng 1.700 USD/oz”, ông Moya nói.
Diễn biến giá vàng thế giới trong vòng 1 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/oz.
Tranh thủ phiên tăng mạnh này, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust có phiên bán ròng thứ ba liên tiếp. Quỹ xả 4,6 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn khoảng 907 tấn vàng. Trong vòng 3 phiên, quỹ vàng khổng lồ này đã bán ròng 12,6 tấn vàng.
Lúc gần 11h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 600.000 đồng/lượng và 550.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn Phú Quý 999,9 có giá 52,2 triệu đồng/lượng và 53 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 550.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,7 triệu đồng/lượng và 67,7 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.597 đồng (mua vào) và 24.877 đồng (bán ra), tăng 6 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua. Với tỷ giá USD bán ra này, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương 50,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,1-17,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 18,1-18,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Sự rút ngắn chênh lệch này cho thấy giá vàng miếng trong nước không phản ánh hết mức tăng của giá vàng quốc tế.