Theo dữ liệu của Kitco ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn New York đã rơi xuống 1.623 USD /ounce, giảm 1,3% so với phiên liền trước và đánh dấu mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
"Giá vàng đã chạm mức thấp nhất 2 năm rưỡi qua khi đồng USD mạnh lên trong phiên giao dịch đầu tuần. Lãi suất tăng cao trên toàn cầu cũng đè nặng lên thị trường kim loại quý", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Dù rủi ro đang bao trùm kinh tế toàn cầu, vàng đã không hoạt động như một tài sản trú ẩn an toàn", vị chuyên gia nói thêm.
Đồng USD tăng mạnh
"Chúng ta đang chứng kiến sức mạnh của đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Điều này thường đẩy giá vàng xuống thấp", nhà phân tích độc lập Ross Norman nhận định.
Giá của mỗi ounce vàng đã giảm 400 USD, tương đương 20%, kể từ khi tăng vượt ngưỡng quan trọng 2.000 USD /ounce hồi tháng 3. Nguyên nhân là các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mạnh tay tăng lãi suất điều hành để kìm hãm lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.
Chúng ta đang chứng kiến sức mạnh của đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Điều này thường đẩy giá vàng xuống thấp.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman
Lãi suất chuẩn tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi, và thúc đẩy đồng bạc xanh. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng leo lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.
Thêm vào đó, giá vàng thường biến động ngược chiều đồng bạc xanh. Khi giá USD tăng lên, sẽ mất ít USD hơn để mua vàng, tức giá trị của vàng tính theo đồng bạc xanh giảm xuống.
"Một loạt đợt nâng lãi suất trong tuần trước của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã khiến thị trường vàng chịu áp lực nặng nề", ông Rupert Rowling - nhà phân tích tại nền tảng Kinesis Money - nhận định.
"Các ngân hàng trung ương sẽ không thay đổi lập trường trong những tháng tới. Do đó, triển vọng trung hạn của thị trường kim loại quý khá ảm đạm", vị chuyên gia nhận định.
Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát, còn Ngân hàng Anh tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Sắc đỏ bao trùm
Tuy nhiên, theo chuyên gia Erlam, sức hấp dẫn của kim loại quý sẽ trở lại một khi lãi suất ổn định.
Khi sức mạnh của đồng USD tăng lên, vàng cũng sẽ trở nên đắt hơn đối với những đồng tiền khác.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền chính khác - đã tăng 1,01% lên 144,2 điểm, đánh dấu mức tăng 22,28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, đồng euro giảm còn 0,96 USD đổi 1 euro. Đồng bảng Anh được giao dịch ở mức 1,067 USD đổi 1 bảng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sáng 26/9, đồng tiền của Anh có lúc được giao dịch mức 1,0382 USD đổi 1 bảng Anh, ngưỡng thấp chưa từng có, sau khi Chính phủ Anh tuyên bố cắt giảm thuế và khuyến khích đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài vàng, các thị trường hàng hóa khác cũng chìm trong sắc đỏ. Giá bạc và đồng lao dốc lần lượt 2,41% và 1,73%. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu sụt giảm 2,4% xuống 84 USD /thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1. Còn dầu WTI chuẩn Mỹ giảm 2,44% về 76,8 USD /thùng.
Đà bán tháo cũng khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh. Tính đến 13h ngày 27/9 (theo giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 341 điểm, tương đương 1,15%, còn 29.248 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 39,52 điểm, tương đương 1,07%, về 3.653 điểm. Còn chỉ số Nasdaq lao dốc 59,5 điểm, tương đương 0,55%, xuống 10.810 điểm.