Từ 15h chiều ngày 22/8, giá 2 mặt hàng xăng trong nước được giữ nguyên như mức thay đổi 11 ngày trước. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 vẫn là 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.660 đồng/lít.
Đáng chú ý, ở lần điều chỉnh giá này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục tiến hành trích lập quỹ bình ổn, nhưng ở mức thấp hơn các kỳ điều hành trước. Cụ thể, mặt hàng xăng trích ở mức 451-493 đồng/lít, dầu diesel 250 đồng/lít, dầu hỏa 400 đồng/lít và dầu mazut là 716 đồng/kg.
Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không tiến hành trích lập, giá xăng đã có thể giảm lần thứ 6 lần liên tiếp ở mức 451-493 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể tăng nhẹ hơn ở mức 600 đồng/lít.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cơ quan điều hành đã trích tới gần 4.000 đồng/lít với mặt hàng xăng; 3.200 đồng/lít với dầu hỏa và 2.150 đồng/lít với dầu diesel.
Về bản chất, quỹ bình ổn chính là một khoản thu trước của người tiêu dùng trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Việc liên Bộ trích lập quỹ bình ổn liên tục trong 6 kỳ vừa qua cho thấy sự bất cập của cơ chế sử dụng quỹ này. Khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn chi ít; còn khi giá giảm, quỹ trích mức cao khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Nếu cơ quan điều hành thực hiện mục tiêu hạ nhiệt giá xăng để tiếp tục giảm giá hàng hóa, kìm lạm phát thì ở kỳ điều chỉnh này hoàn toàn có thể ngừng trích quỹ bình ổn để giúp giá xăng giảm tiếp.
Đặc biệt trong bối cảnh số dư quỹ của nhiều doanh nghiệp đầu mối đã dương ở mức cao. Đến ngày 22/8, quỹ bình ổn giá của Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước dương 644 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là 230 tỷ đồng, trong đó mức trích lập đến ngày 19/8 là 12,3 tỷ đồng; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) là 281 tỷ đồng; Công ty CP hóa dầu quân đội (Mipec) là hơn 13 tỷ đồng ...
Theo lý giải của cơ quan điều hành, ở kỳ này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng, tuy nhiên, để hỗ trợ đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ quyết định giảm mức trích lập quỹ bình ổn đối để giữ ổn định giá mặt hàng xăng và dầu mazut, hạn chế mức tăng đối với các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
"Đồng thời góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường (đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9)", nhà điều hành cho biết.
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu và điều tiết theo giá thị trường. Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng đến nay nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại và hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế thế giới. Đồng thời, giá xăng dầu thế giới cũng đang diễn biến thất thường mà quỹ bình ổn khó có thể điều hành kịp được trong bối cảnh giá biến động mạnh như thời gian qua.
"Để tạo sự bình đẳng, tự chủ cho các thành phần kinh tế, tốt nhất nên để giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và để các chủ thể tự tính toán, tự chịu những rủi ro nhất định với giá thị trường", ông nói.
Tính đến nay, giá mặt hàng xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước vẫn ở quanh mức 23.700-24.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào cuối tháng 1.