Tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, mã CK: OIL) cho biết sản lượng kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn của đạt 3.022 nghìn m3/tấn, vượt 21% kế hoạch 9 tháng và đạt 91% kế hoạch cả năm 2022. Sản lượng bán hàng qua các kênh bán buôn, khách hàng công nghiệp, bán lẻ đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu hợp nhất 9 tháng PV OIL ước đạt 76.497 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và vượt 70% kế hoạch cả năm 2022. Riêng quý 3, PV OIL ước đạt 22.835 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 81% so với cùng kỳ.
Tính đến hết quý 3/2022, tổng số của hàng xăng dầu của PVOIL nâng lên 648 cửa hàng trong toàn hệ thống. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng bán hàng qua kênh PVOIL Easy đạt 71,5 nghìn m3, hoàn thành 84% kế hoạch năm, bình quân đạt 262 m3/ngày, tăng 27% so với sản lượng bình quân ngày năm 2021.
Giá xăng ở mức thấp nhất kể từ đầu năm
Trước đó, PV OIL đã lập kỷ lục về doanh thu trong quý 2 khi ghi nhận 30.400 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ. Doanh thu của PV OIL không còn giữ được mức tăng trưởng như quý 2, một trong những nguyên nhân trực tiếp phải kể tới là giá xăng đã liên tục điều chỉnh.
Sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 6, giá xăng dầu trong nước đã liên tục sụt giảm mạnh qua các kỳ điều chỉnh. Theo thống kê, giá xăng trong nước đã có 9 kỳ giảm trong vòng 4 tháng trở lại đây. Từ sau đợt điều chỉnh gần nhất (ngày 21/9), mỗi lít xăng RON 95-III đã giảm về 22.584 đồng và E5 RON 92 còn 21.781 đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, theo chiều hướng giảm giá xăng, cổ phiếu của nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước PV OIL dần "trôi" về vùng đáy. Bất chấp những nhịp hồi phục của thị trường chung, OIL vẫn đang giao dịch tại mức giá 10.300 đồng/cp, giảm 52% kể từ đỉnh lập hồi đầu tháng 3, vốn hóa giảm còn hơn 13.000 tỷ đồng.
Vì sao có tình trạng hết xăng những ngày qua?
Những ngày gần đây xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Theo đó, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
PV OIL đã đưa ra phản hồi về tình trạng này, một trong những nguyên nhân tới từ việc giá xăng dầu thế giới đã tăng cao trở lại, nhu cầu mua hàng của khách hàng cũng vì vậy mà tăng mạnh.
Trong khi đó, các chuyến tàu nhận hàng tại cả 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đều bị trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng thời tiết của cơn bão Noru…
Cùng lúc, nguồn hàng nhập khẩu về rất hạn chế, không dồi dào như trước đây do phụ phí mua cao hơn nhiều so với công thức giá cơ sở nên ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường như vậy, PVOIL vẫn nỗ lực đảm bảo tối đa nguồn hàng cho toàn hệ thống. Cụ thể, trong 09 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.
PVOIL cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh của mình là Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua hệ thống 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng trong giai đoạn nhất thời hiện nay.
Trong những ngày tiếp theo, PVOIL vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục các khó khăn chung của thị trường nhằm đảm bảo nguồn hàng và duy trì hoạt động ổn định của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như toàn hệ thống.