Mặc dù đà tăng của cả hai mặt hàng được duy trì tuần thứ ba liên tiếp, Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam đánh giá diễn biến giá vẫn cho thấy sự giằng co trước những tác động của nhiều tin tức trái chiều.
Những lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu vẫn là yếu tố giúp cho sức mua áp đảo hơn. Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm mạnh từ mức 11,3 triệu thùng/ngày còn 9,3 triệu thùng/ngày trong cuối năm nay, do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận. Vì thế, việc có thêm hơn 200.000 thùng từ OPEC+ trong hai tháng 7 và 8 sắp tới khó có thể bù đắp khoảng trống 2 triệu thùng mà Nga để lại.
Nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Mỹ hiện nay cũng phải đối mặt với vấn đề tồn kho dầu đang thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm gần nhất. Trong khi đó, theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ chỉ tăng thêm vỏn vẹn 6 giàn lên mức 733 giàn trong tuần vừa qua, phản ánh rõ sự khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.
Ngoài ra, nguồn cung dầu bổ sung từ Iran cũng khó có thể quay lại trong năm nay, bởi việc nước này dỡ bỏ các thiết bị giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã trực tiếp khiến cho xác suất đàm phán thành công với Mỹ ngày một giảm.
Dù vậy, giá dầu vẫn giảm nhẹ vào hai phiên giao dịch cuối tuần, trong bối cảnh các nhà đầu tư cho rằng triển vọng tiêu thụ dầu thô sẽ sụt giảm bởi Thượng Hải phải tái giãn cách để ngăn chặn một đợt bùng phát dịch mới. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ một lần nữa lại chạm đỉnh 40 năm ở mức 8,3%, khiến cho thị trường tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phát ra các tín hiệu thắt chặt các chính sách tiền tệ mạnh tay hơn trong cuộc họp vào ngày 14 - 15/6 tuần này, và làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, kéo theo cả nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Mỹ (AAA) cũng cho biết, giá trung bình của 1 gallon (3,78 lít) xăng ở Mỹ cũng đã chạm mốc 5 USD, và rất có thể các nhà chức trách sẽ sớm có động thái rõ ràng hơn trong việc hạ nhiệt giá dầu.
Trong nước, theo cập nhật số liệu từ Bộ Công Thương ngày 6/6, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, xăng RON92 lên 150,5 USD/thùng, xăng RON95 lên 157,41 USD/thùng, dầu diesel vọt lên 170,61 USD/thùng. Trong khi tại kỳ điều hành trước (ngày 1/6), trên bảng dữ liệu của Bộ Công Thương, xăng RON92 giá 147 USD/thùng, xăng RON95 giá 152,71 USD/thùng và dầu diesel 160,77 USD/thùng.
Giá xăng sẽ được điều chỉnh vào chiều ngày 13/6. Nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 700 - 1.000 đồng/lít. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 32.000 đồng/lít.