Do kỳ điều hành ngày 11/6 trùng vào ngày thứ bảy nên thời gian điều hành được liên Bộ Tài chính - Công Thương lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, tức 15h ngày thứ hai 13/6.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 9/6 tăng so với kỳ điều hành trước ở mức 148,6 USD /thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 là 154,1 USD /thùng. Đáng chú ý, dầu diesel ngày 6/6 tăng vọt lên 170,6 USD /thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước ở mức 144 USD /thùng xăng RON 92; 151,9 USD /thùng xăng RON 95.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết tính đến 11/6, giá xăng, dầu thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 500-870 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 2.900-3.100 đồng/lít.
Do đó, kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng có thể tăng khoảng 500-900 đồng/lít, trong đó xăng E5 RON 92 tăng nhiều hơn; còn dầu diesel tăng rất mạnh khoảng gần 3.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý xả quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn, khoảng 400-700 đồng/lít.
Tương tự, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết sau kỳ điều hành ngày 1/6, giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng vì thiếu nguồn cung. Do đó, giá xăng trong nước sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đặc biệt là giá dầu cũng sẽ điều chỉnh tăng rất mạnh.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp và lần tăng thứ 12 trong nửa đầu năm, đưa giá xăng vượt 32.000 đồng/lít. Tính chung, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 11 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít lên mức 30.230 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.
Về thị trường dầu thế giới, gần đây giá dầu đã điều chỉnh do những lo ngại về việc Trung Quốc tái phong tỏa một số khu vực ở Thượng Hải. Theo dữ liệu của Trading Economics rạng sáng ngày hôm nay (12/6), giá dầu Brent giao dịch ở mức 122,01 USD /thùng, dầu WTI ở mức 120,67 USD /thùng. Trước đó, ngày 9/6, giá dầu thô Brent có thời điểm tăng lên 124,36 USD /thùng; dầu WTI có lúc được giao dịch trên ngưỡng 123 USD /thùng.
"Tuy vậy, bất cứ rủi ro giảm giá nào đối với thị trường dầu đều không đáng kể. Bởi nguồn cung thực của cả các sản phẩm thô lẫn tinh chế trên toàn cầu đều eo hẹp. Đó vẫn là những động lực mạnh mẽ cho đà tăng giá", ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính tại Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - bình luận với Zing.
Mới đây, UAE - thành viên chủ chốt của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) - tuyên bố giá dầu sẽ còn thiết lập kỷ lục mới. Nguyên nhân là nhu cầu ở Trung Quốc sẽ phục hồi, làm thắt chặt hơn nữa thị trường dầu toàn cầu vốn đang chao đảo vì nguồn cung khan hiếm.
Từ 15h ngày 1/6, xăng E5 RON 92 trong nước tăng 600 đồng/lít lên 30.230 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít lên 31.570 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 11 của mặt hàng này, đưa giá xăng 3 lần liên tiếp xác lập kỷ lục mới.
Về biện pháp giảm thêm thuế xăng dầu nhằm hạ nhiệt đà tăng trong nước, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cả lãnh đạo ngành tài chính và công thương đều cho biết sẽ cân nhắc, báo cáo với Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội có thể giảm thêm thuế với xăng dầu nhằm giảm giá mặt hàng này.
Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, Bộ trưởng Công Thương cho rằng phải dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, như vậy mới được “cả trong lẫn ngoài”.