Chiều 11/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, dầu diesel tăng 1.980 đồng/lít lên 24.180 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 27 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.000-22.000 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 400 đồng/lít và chi quỹ bình ổn với dầu diesel 200 đồng/lít.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 3/10, Petrolimex dương 1.040 tỷ đồng, PVOil âm 767 tỷ đồng, Saigon Petro 249,1 tỷ đồng, Petimex là 310 tỷ đồng...
Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tăng premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel lên 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.
Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON 92 (xăng nền để phối trộn E5 RON 92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng.
Hiện nay, tình hình khan hiếm xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh lân cận ngày một nghiêm trọng. Tính đến tối 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 121/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, tăng 67 cửa hàng so với hôm qua, chủ yếu ở TP Thủ Đức, các quận Tân Bình, Bình Tân, 12, huyện Bình Chánh, Củ Chi... Người dân phải xếp hàng, chen nhau đi đổ xăng giữa đêm ở TP.HCM.
Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. "Có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động", cơ quan này dẫn chứng.
Bộ Công Thương cho biết đã đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên nỗ lực tìm nguồn hàng để cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn các tỉnh. Đồng thời khẳng định theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.