Bà Marina Leon, 62 tuổi, treo một dây cờ màu trắng xanh để trang trí quán bar của mình. Đó là một quán bar nhỏ nằm trên khu phố trung lưu ở quận La Paternal (Buenos Aires).
Bà Leon và chồng, ông Tato Lenoce, 65 tuổi, mở quán bar này cách đây một năm. Quán bar trước đó của cặp vợ chồng đã bị đóng cửa trong thời kỳ đại dịch vì cả 2 không trả được tiền thuê nhà.
Theo Al Jazeera, trong hơn một năm qua, hàng triệu người Argentina như vợ chồng bà Leon lao đao vì những vết thương kinh tế đang lan rộng. Nhưng họ vẫn ấp ủ giấc mơ giành cúp vô địch tại kỳ World Cup 2022.
Khủng hoảng kinh tế nhấn chìm đất nước
Hầu hết đồ dùng trong quán bar của bà Leon là đồ được quyên góp, từ xoong nồi, dao nĩa, cho đến những chiếc áo thi đấu dùng để trang trí.
Cặp vợ chồng người Argentina dồn tiền để trang trí quán bar nhỏ trong kỳ World Cup. Họ mua một chiếc TV màn hình phẳng lớn và phải ngừng sử dụng điều hòa. Tạm quên đi thời tiết nóng ẩm ở Argentina, vợ chồng bà Leon và các khách hàng của họ đang bước vào một tháng của những mong đợi và kỳ vọng.
"Bằng cả trái tim, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thắng", bà Leon nói. "Chiến thắng đó sẽ mang lại một chút niềm vui, khi tất cả đều đang khốn đốn vì tình hình kinh tế", bà nói thêm.
Chiến thắng đó sẽ mang lại một chút niềm vui, khi tất cả đều đang khốn đốn vì tình hình kinh tế
Bà Marina Leon, 62 tuổi
Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến đồng peso của Argentina mất giá nghiêm trọng. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng vọt 88% so với một năm trước đó.
Nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng đã khiến hàng nghìn người Argentina phải đổ xuống đường. Những người biểu tình muốn Chính phủ hành động để đối phó với mức lạm phát trên trời và hỗ trợ người nghèo.
Ngày 2/7, Bộ trưởng Kinh tế Argentina đã từ chức. Sau đó không lâu, Tổng thống Alberto Fernández tiếp tục sa thải tân bộ trưởng kinh tế ông vừa bổ nhiệm.
Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina, dù nước này từ lâu đã phải chung sống với lạm phát. Cuối thập niên 80, lạm phát tại Argentina vọt lên mức kỷ lục 3.000%. Kể từ năm 2008, lạm phát giảm về khoảng 30%/năm.
Khi đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng mỗi ngày, người Argentina đổ xô tích trữ đồng USD, trao đổi hàng hóa thiết yếu với nhau thay vì mua mới, thậm chí không còn thói quen nhớ giá. Theo New York Times, hiện có khoảng 37% người Argentina sống trong nghèo khổ, tăng 7% so với năm 2016.
Giấc mộng World Cup
Nhà báo Natalie Alcoba của Al Jazeera cho rằng một chiếc cúp vô địch có thể giúp nhiều người Argentina quên đi tình cảnh khó khăn hiện tại, dù chỉ là tạm thời.
Những chiếc áo đấu được treo khắp đường phố. Trên các xe buýt, màn hình chiếu đi chiếu lại những thước phim đáng nhớ của đội tuyển quốc gia. Hình ảnh của Messi và Diego Maradona có ở mọi nơi.
Trong những ngày này, thật khó để ông Daniel Rodriguez nghĩ đến bất cứ điều gì khác ngoài World Cup. Niềm đam mê bóng đá đã ngấm vào da thịt ông - theo đúng nghĩa đen. Người đàn ông 50 tuổi xăm trên mình hình ảnh câu lạc bộ bóng đá yêu thích, mặc bên ngoài chiếc áo đấu màu trắng xanh của đội tuyển quốc gia.
Trả lời Al Jazeera, ông hạ giọng để thể hiện niềm tự hào: "Với người Argentina, bóng đá có ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi thức dậy với bóng đá, ăn cùng bóng đá và mơ về bóng đá".
Ở nơi làm việc của ông, một công ty sản xuất phụ tùng ôtô, mỗi khi diễn ra các trận đấu, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào TV ngay cả trong giờ làm việc.
Ông Rodriguez lạc quan về cơ hội tiến sâu của đội nhà. "Nhưng giống như câu nói của mọi người hâm mộ bóng đá, chúng tôi sẽ bước đi từng bước một", ông nói.
Tuy nhiên, trong trận ra quân tại kỳ World Cup ở Qatar, sau 10 lần rơi vào tư thế việt vị, 3 bàn thắng bị từ chối, đội bóng được dẫn dắt bởi siêu sao Lionel Messi đã nhận thất bại đầu tiên trong hơn 2 năm qua.