Với mục đích chính là thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương, nhiều nơi đã có ý tưởng nhân rộng mô hình đường sách. Tuy nhiên, trong khi Đường sách TP Thủ Đức vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều khó khăn, các lãnh đạo quận 6 (TP.HCM) và tỉnh Quảng Ninh vẫn đang xem xét mức độ quan tâm của độc giả bằng cách tổ chức nhiều hội sách thử nghiệm trước khi bắt tay vào triển khai. Có thể thấy, để các đường sách hoạt động hiệu quả cần có kế hoạch phát triển cụ thể.
Mở đường sách chỉ là vỏ, cần đa dạng hóa hoạt động
Qua gần 7 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM với chiều dài 144 m và khoảng 30 gian hàng đã trở thành địa điểm nổi bật ở khu vực trung tâm thành phố, bên cạnh các điểm thu hút du lịch khác như Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố.
Còn tại Hà Nội, Phố sách 19/12 chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017 với 19 gian hàng sách, cafe, hoa, khu đọc sách và dừng chân cho du khách. Ngoài ra, đường sách cũng có mặt tại nhiều nhiều khu vực như TP Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu và TP Cao Lãnh. Hầu hết đều hoạt động theo mô hình xã hội hóa.
Không chỉ là nơi bán sách, đường sách còn là địa điểm quen thuộc của nhiều hoạt động liên quan tới sách như phát động các cuộc thi, giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu với tác giả, các sự kiện giảm giá, khuyến mãi… Tuy nhiên, để các đường sách cùng hoạt động hiệu quả, từ đó nhân rộng mô hình này trên cả nước vẫn còn là một thách thức lớn.
Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - bên cạnh những thuận lợi từ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị xuất bản, các đường sách tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều bài toán khó bởi nhu cầu đọc của người dân chưa cao.
“Việc mở đường sách thực chất chỉ mới tạo ra một chiếc vỏ, khó khăn lớn nhất chính là phải tạo ra được các hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó là bài toán về hiệu quả kinh doanh của các gian hàng tại đây, chỉ khi người dân đọc sách nhiều hơn họ mới có thể trụ lại lâu dài với đường sách và mở thêm chi nhánh”, ông chia sẻ.
Ông cũng cho biết doanh thu tại các đường sách hiện nay có sự chênh lệch khá lớn, ngoại trừ Đường sách TP.HCM có doanh thu tương đối ổn (226 tỷ đồng trong 6 năm), các đường sách vẫn còn chật vật trong việc cân bằng bài toán thu chi. Vì thế, hiện nay có nhiều nơi muốn mở đường sách, nhưng các đơn vị xuất bản vẫn còn nhiều e ngại trong việc đầu tư.
Hoạt động tại đường sách cần nhắm đến đối tượng cụ thể tại địa phương
Có thể thấy, chìa khóa quan trọng cho sự thành công của một đường sách nằm ở nhu cầu đọc sách của người dân. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, người làm sách không nên ngồi yên mà cần chủ động có những hoạt động thúc đẩy, đầu tư để phát triển văn hóa đọc sách, từ đó giải quyết vấn đề của chính mình.
Khác với các tiệm sách thông thường, mô hình đường sách có một lợi thế lớn đó là nơi tập trung những nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách lớn. Độc giả đến đây không chỉ để mua sách mà còn trải nghiệm những hoạt động liên quan đến sách, giao lưu với tác giả… Đây là một lợi thế lớn tại các đường sách nhưng chưa được khai thác tối đa.
“Cần sự phối hợp một cách chủ động, tích cực để tạo ra những hoạt động sôi nổi tại đường sách. Các chương trình, nội dung cần được chuẩn bị trước để các trường học có thể đưa học sinh đến tham gia, giải trí và học hỏi thêm kiến thức từ sách”, ông Lê Hoàng gợi ý.
Theo kế hoạch, trong năm tới Đường sách TP.HCM sẽ xây dựng các module, chương trình tương tác tại đường sách, đồng thời có thêm câu lạc bộ giới thiệu tại các trường học để thu hút các em học sinh đến với đường sách.
Theo ông Lê Hoàng, đây cũng hướng đi chung cho các đường sách trên cả nước. Bởi khi số lượng đường sách tăng lên, các hoạt động cần nhắm đến đối tượng cụ thể tại địa phương. Ông giải thích: “Có nhiều cách để giới thiệu sách và mỗi địa điểm đều có lợi thế riêng. Các hoạt động cần có đối tượng cụ thể, nói về câu chuyện về nơi họ đang sống chứ không chỉ nói chung chung”.
“Nếu hỏi đường sách năm 2023 là gì, đó là trên đà đang phát triển hiện tại, nó sẽ phát triển tốt hơn, tập trung nhiều hơn cho đối tượng học sinh. Tạo ra những chuyến đi có chủ đích, đi có nhu cầu chính là tương lai của đường sách. Nó không chỉ đem lại nhiều bài học bổ ích, mà đồng thời thúc đẩy nhu cầu đọc, từ đó giải quyết vấn kinh tế cho đường sách”, ông chia sẻ.