Lifestyle

Giải mã nỗi sợ hãi vào ngày chủ nhật và nỗi buồn vào thứ hai

Nỗi sợ hãi vào ngày chủ nhật hay nỗi buồn trong ngày thứ hai là hiện tượng tâm lý phổ biến. Việc có ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống là giải pháp khả dĩ.

Vài năm trước, André Spicer, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Bayes thuộc Đại học London, đang chuẩn bị bữa ăn trong bếp của một người bạn. Khi ngồi xuống ăn, vợ bạn ông ăn vội bữa tối rồi sang phòng khác làm việc, theo Guardian.

“Tối chủ nhật là sáng thứ hai của tuần mới”, ông cười nói. Ông đã rất ngạc nhiên vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, vài năm sau, ông nhận thấy bản thân cũng hành động như vậy. Tối chủ nhật đã trở thành thời gian làm việc. Khi mở lịch trình của bản thân vào tối chủ nhật, cảm giác sợ hãi xâm chiếm lấy ông.

Vào thời điểm sáng thứ hai trôi qua, ông bắt đầu cảm thấy kiệt sức.

Triệu chứng rõ rệt nhất ở nhóm đối tượng nào?

Tuy nhiên, rõ ràng là không chỉ riêng ông thấy lo lắng vào đêm chủ nhật và khó chịu mỗi sáng thứ hai. Nghiên cứu mới do giáo sư Ilke Inceoglu Đại học Exeter đứng đầu phát hiện nhiều nhân viên trải qua “nỗi sợ hãi ngày chủ nhật” (sunday scaries).

Nỗi sợ ngày chủ nhật là cảm giác sợ hãi, lo lắng việc phải đi làm vào ngày hôm sau. Khảo sát của Cơ quan Cải thiện Sức khỏe và Chênh lệch (OHID) cho thấy nỗi sợ ngày chủ nhật thực sự tồn tại và ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Ngay cả trước đại dịch, thứ hai đặc biệt khó khăn đối với một số người. Ảnh minh họa: New York Times.

Hiện tượng này thường liên quan đến cảm giác lo lắng về tuần sắp tới, cũng như cảm giác sợ hãi, hồi hộp và khó ngủ.

“Điều đó như thể tâm trí của bạn bắt đầu chuyển từ trạng thái thư giãn hoặc hưởng thụ vào cuối tuần sang lo lắng về mọi thứ bạn phải làm trong tuần làm việc tới”, một trong những người được hỏi nói.

Ông Inceoglu phát hiện rằng nỗi buồn ngày chủ nhật đặc biệt rõ ở những người thường kiểm tra email cuối tuần, có những nhiệm vụ còn từ tuần trước và kỳ vọng quá cao về bản thân.

CNN dẫn nghiên cứu cho thấy chủ nhật là ngày tồi tệ nhất trong tuần, trong khi ngày thứ bảy được nhận định là tuyệt vời nhất.

Các vấn đề dường như trở nên tồi tệ hơn sau đại dịch Covid-19. Khi làm việc ở nhà trở nên ngày càng phổ biến, ranh giới giữa công việc và giải trí bị xóa nhòa. Nhiều nhân viên thường xuyên làm việc ở nhà vào thứ sáu cũng đồng nghĩa việc trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ cuối tuần thậm chí gây khó chịu hơn.

Ngay cả trước đại dịch, thứ hai đặc biệt khó khăn đối với một số người. Một nghiên cứu theo dõi 87 nhân viên trong 12 ngày cho thấy tâm trạng và mức năng lượng của họ được cải thiện khi tuần trôi qua, đạt đỉnh điểm vào thứ sáu và sau đó tụt dốc thảm hại vào thứ hai.

Nhiều nền văn hóa đều đã ghi nhận nỗi buồn vào ngày thứ hai. Một nghiên cứu ở 46 quốc gia cho thấy thứ hai là ngày mà mọi người ít có khả năng coi là "tốt lành".

Giải pháp

Những đánh giá của mọi người về các ngày trong tuần dường như cũng thúc đẩy nhiều loại hành vi. Các nhà kinh tế đã nhận thấy hiệu ứng “ngày thứ hai buồn” trên nhiều thị trường tài chính.

Các nhà đầu tư thường ảm đạm hơn vào các ngày thứ hai và theo lịch sử, lợi nhuận trên cổ phiếu thường thấp hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn vào thứ hai, tránh xa rủi ro và thực hiện các khoản đầu tư an toàn hơn nhiều.

Một hành vi khác phổ biến hơn vào thứ hai là tự tử: Các nghiên cứu của Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát hiện ra rằng khả năng tự sát trong ngày thứ hai là cao hơn.

Trước những vấn đề với ngày thứ hai, câu hỏi lớn được đặt ra là: Chúng ta nên làm gì với nó? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số gợi ý có thể giúp ngày thứ hai bớt buồn hơn.

Đầu tiên là duy trì ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống. Những người dành nhiều thời gian vào cuối tuần để kiểm tra công việc qua email hoặc suy nghĩ về công việc thường có cảm giác sợ hãi rõ rệt hơn vào ngày thứ hai.

Duy trì thói quen tích cực giúp bạn ngủ ngon hơn và không còn nỗi sợ ngày chủ nhật. Ảnh: Pexels.

Đối với người quản lý, cách giúp khắc phục tình trạng này là cho nhân viên thêm thời gian vào sáng thứ hai để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.

Cách thứ hai là thay đổi suy nghĩ về cuối tuần. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy khi những người tham gia được yêu cầu coi cuối tuần của họ như kỳ nghỉ nhỏ, họ có xu hướng thực hiện nhiều hoạt động thú vị hơn và trở lại làm việc vào thứ hai với nhiều năng lượng hơn. Họ cũng hài lòng với công việc của mình hơn.

Cuối cùng, giáo sư Spicer gợi ý về việc thiết kế lại ngày thứ hai để giúp chúng ta thoải mái hơn vào cuối tuần.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta có thể cảm thấy chán nản hơn vào thứ hai khi có mức độ tự chủ thấp hơn (cảm thấy không thể làm những gì mình thích), liên kết thấp hơn (không thấy kết nối với những người quan trọng đối với chúng ta), và năng lực thấp hơn (không có cảm giác mình thực sự giỏi trong việc gì đó).

Thực hiện những thay đổi đơn giản như bắt đầu ngày mới với thứ mà bạn giỏi, dành ra chút thời gian để có thể làm những gì mình muốn hoặc sắp xếp cuộc hẹn vào giờ ăn trưa với người mà bạn thấy thú vị có thể tạo nên sự khác biệt.

Thực hiện các điều chỉnh nhỏ trong ngày có thể cải thiện mọi thứ từng chút một. Tuy nhiên, việc gặp gỡ một người bạn để ăn trưa vào thứ hai hoặc không truy cập email công việc vào cuối tuần có khả năng cải thiện tinh thần rất lớn.

Trong nền kinh tế mà ranh giới giữa công việc và giải trí ngày càng mờ nhạt, nơi nhân viên phải vật lộn với sự bất ổn về tài chính và yêu cầu ngày càng tăng trong khi nguồn lực ngày càng giảm, nỗi sợ hãi ngày chủ nhật có thể khó vượt qua.

Có lẽ tất cả chúng ta cần nhắc nhở bản thân về một lời khuyên của Bertrand Russell. “Một trong những triệu chứng của chứng suy nhược thần kinh đang đến gần là niềm tin rằng công việc của một người là rất quan trọng”, vị chuyên gia dẫn lời khuyên.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/giai-ma-noi-so-hai-vao-ngay-chu-nhat-va-noi-buon-vao-thu-hai-post1413730.html