Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ từ cuối năm 2019, đạt đỉnh cao vào năm 2021 với tổng vốn đầu tư lên mức kỷ lục là 1,44 tỷ USD cho 165 thương vụ. Sang năm 2022, con số giảm xuống còn 855 triệu USD từ 85 thương vụ.
Bước vào năm 2023, khó khăn thêm chồng chất trong bối cảnh lạm phát, biến động tài chính gia tăng, các quỹ đầu tư thắt chặt giải ngân hơn. Các doanh nghiệp không còn có thể “đốt tiền kiếm khách” như trước mà phải đặt mục tiêu có lãi, linh hoạt trước những biến động, đồng thời tránh mắc sai lầm.
“Một sai lầm ở những thời điểm khác các startup cũng dễ mắc phải, nhưng giai đoạn hiện nay có khả năng gây ảnh hưởng lớn hơn, là thường có kế hoạch lạc quan. Điều này giúp họ có năng lượng vượt qua khó khăn. Nhưng bây giờ, nếu hành động theo kế hoạch đó rất dễ mất mạng, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản”, Chủ tịch Simple Tech Investment Phan Minh Tâm phát biểu trong buổi tọa đàm “Hiệu Quả Hay Tăng Trưởng? - Chiến Lược Tối Ưu Hoá Nguồn Vốn Trong Giai Đoạn Tăng Trưởng” của Endeavor Việt Nam.
Ông phân tích rằng kế hoạch quá lạc quan còn tạo ra khoảng cách giữa founder và các nhà đầu tư, một bên nhìn tương lai rất tươi sáng và một bên thận trọng. Khoảng cách này càng bị đào sâu khi khó khăn xảy ra.
“Vì vậy, phải có các kế hoạch dự phòng và hành động tương ứng. Nếu không có kế hoạch dự phòng khoa học, nghiêm túc, quản trị rủi ro tốt thì rất dễ bị vỡ kế hoạch, đứt dòng tiền”, nhà đầu tư này cảnh báo.
“Tôi nhận thấy thế hệ founder bây giờ rất giỏi, nhưng lại không đa năng. Tỷ lệ người giỏi xử lý khủng hoảng không nhiều như thế hệ trước. Lý do là họ có tính chuyên môn hóa cao, giỏi một thứ nhưng không giỏi nhiều thứ. Tới lúc khó khăn, nhiều nhân sự nghỉ, nếu có khả năng “gánh team” thì tỷ lệ sống sót cao hơn”, ông nhận xét thêm.
Trong khi đó, Đồng sáng lập Earth Venture Capital (EVC) Nguyễn Ngọc Tiến cho biết điều khiến ông e sợ nhất ở các founder startup là “không biết rằng mình có thể mắc sai lầm”. Theo nhà đầu tư này, điều cực kỳ quan trọng trong quá trình khởi nghiệp là làm sao nhận ra sai lầm thật nhanh và sửa chữa.
“Những startup tôi làm việc cùng thường biết ngay sai lầm của họ là gì. CEO của một công ty chúng tôi đầu tư ở Israel biết sai lầm của mình chính là ngồi ở ghế CEO, bởi vị trí người đó làm tốt hơn là CTO. CEO đó nói rằng việc đầu tiên sẽ làm sau vòng gọi vốn tiếp theo là thuê một CEO tốt để quản lý công ty”, ông Tiến kể lại.
“Để vạch ra một số sai lầm và sửa sai thật nhanh cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía nhà đầu tư. Phải mắc sai lầm, vì sai lầm là một phần của toàn bộ quá trình startup. Việc quan trọng là phải tìm cách giải quyết sai lầm nhanh nhất có thể”, ông kết luận.
Ông David Đỗ - Tổng Giám đốc Vietnam Investment Group cũng góp ý cho các startup Việt trong giai đoạn khó khăn rằng phải tuyển dụng chặt chẽ hơn. Những năm qua, nhiều công ty tuyển ồ ạt sau khi huy động được vốn, dẫn đến bộ máy nhân sự quá cồng kềnh, gây khó khăn cho đội ngũ quản lý.
“Thà quy mô nhân sự nhỏ mà làm hiệu quả còn hơn có quá nhiều người. Việc quản lý con người là phức tạp nhất đối với founder. Năm vừa qua, nhiều công ty không có kỷ luật chọn lọc nhân sự thì bây giờ phải sẵn sàng co lại, đánh giá lại, cho nghỉ bớt để bộ máy chạy hiệu quả hơn”, ông nêu quan điểm.