Các công ty trên thế giới, từ ngành tài chính, bán lẻ đến công nghệ, đang cắt giảm hàng loạt nhân sự trong bối cảnh nhu cầu suy yếu. Đi kèm với đó là những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Những gã khổng lồ công nghệ như Amazon.com, Microsoft và Meta sa thải hàng nghìn nhân viên. Goldman Sachs Group, Morgan Stanley và các ngân hàng lớn khác cũng cắt giảm hàng nghìn vị trí.
Tại Việt Nam, theo quan sát của chị Trang Nguyễn, Quản lý tuyển dụng miền Bắc của đơn vị truyền thông quảng cáo, có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự - tuyển dụng, từ cuối năm 2022, những ngành nghề liên quan đến dệt may, sản xuất, hàng hải hay tài chính, chứng khoán, ngân hàng có sự sụt giảm khá rõ ràng về nhu cầu nhân lực, hoặc cắt giảm, hoặc giảm việc tuyển dụng mới.
Bên cạnh đó, các ngành có nhu cầu tuyển dụng vẫn mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn do sự khôi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 hay ngành công nghệ thông tin duy trì nhu cầu nhân lực lớn do xu hướng chuyển đổi số, quản lý dữ liệu lớn (big data) vẫn được nhiều doanh nghiệp hướng đến.
Chị Jane Nguyễn, Giám đốc khu vực Việt Nam của một công ty headhunt (săn nhân tài), nhận định so với những năm trước, thị trường tuyển dụng sẽ yên ắng hơn trong năm 2023 vì làn sóng cắt giảm nhân sự từ cuối năm ngoái và khủng hoảng kinh tế.
Một số ngành nghề từng phát triển nóng, dựa trên và ăn theo Covid-19 (như công nghệ) bắt đầu đi xuống và nhả người ra thị trường.
“Cung tăng lên, cầu bớt đi, các công ty cắt giảm chứ không tuyển bớt. Đây sẽ là một năm yên tĩnh cho tuyển dụng”, chị nói.
Theo chị Jane, trong năm 2023 và 2024, những ngành nghề được tập trung nhiều nguồn lực nhất là các ngành nghề trực tiếp tạo ra doanh thu như sale (bán hàng), digital marketing (tiếp thị số) theo kiểu chạy số bán hàng. Với những ngành nghề thiên về câu chuyện đường dài như IT, nghiên cứu, đầu tư dài hạn,... đó sẽ là năm sống sót.
Tập trung vào chất lượng
Chị Jane Nguyễn cho biết trong bối cảnh việc ít, cạnh tranh nhiều, các công ty sẽ càng chọn lọc nhân sự kỹ càng hơn.
Theo chị, một ứng viên có đủ 3 yếu tố sau sẽ dễ dàng được nhà tuyển dụng “chấm”, dù ở bất cứ thời kỳ nào.
- Có tính chủ động cao trong công việc: Có những bộ skillset (kỹ năng) rõ ràng, có khả năng multitask (đa nhiệm), làm được nhiều việc, đảm nhận nhiều chức năng.
- Có key skill (kỹ năng chính) và hứng thú phát triển: Là những “chuyên gia”, rất giỏi trong chuyên môn đang làm, hiểu rõ giá trị mình tạo ra khi nằm trong một phần của tổ chức (tạo ra thêm tiền hoặc tiết kiệm chi phí cho công ty).
- Tạo được tầm ảnh hưởng cho cộng đồng: Cách dễ để gây ấn tượng nhất với nhà tuyển dụng là có side project (sản phẩm phụ), vừa chứng tỏ mình có khả năng chuyên môn, vừa có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Theo chị Trang Nguyễn, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng vẫn tập trung vào tìm kiếm những nhân sự chất lượng cao.
Sự khó khăn không lường trước được của thị trường khiến doanh nghiệp hạn chế số lượng và tập trung vào chất lượng. Có những đơn vị sẵn sàng chi trả mức lương cao, phúc lợi tốt hơn hẳn để tạo sự thay đổi rõ rệt.
“Những ứng viên có kiến thức chuyên môn là chưa đủ, họ cần có sự linh hoạt cao, thích nghi tốt với sự thay đổi sẽ có điểm cộng với nhà tuyển dụng trong bối cảnh này”, chị nói.
Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, ChatGPT được cho là có thể thay thế nhiều công việc trong tương lai gần, những ứng viên có sự cập nhật, học hỏi và tận dụng tốt công nghệ sẽ có ưu thế.
“Đối với nhóm nhân lực trẻ, Gen Z, lợi thế về thông tin rộng khắp và sự nhạy bén về công nghệ, nhưng dễ thấy sự mất phương hướng, đa mục tiêu. Vì vậy, nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao các bạn trẻ có định hướng rõ ràng, hiểu bản thân, có lòng đam mê với nghề nghiệp nhất định”, chị nói.
Cần chuẩn bị gì?
Chị Trang Nguyễn gợi ý những kỹ năng cần thiết cho người tìm việc trong một năm khó khăn:
1. Tham khảo mô hình điển hình ASK (viết tắt của Attitude - Thái độ, Skill - Kỹ năng, Knowledge - Kiến thức)
Đây là mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp chuẩn quốc tế, với mỗi vị trí công việc cụ thể, doanh nghiệp sẽ có ASK nhất định. Vì vậy, để có ưu thế cạnh tranh, người tìm việc cần xác định, tìm hiểu được ASK của vị trí mình hướng đến và rèn luyện liên tục.
Khi tuyển dụng, nhà tuyển dụng và quản lý chuyên môn sẽ dựa vào những ASK yêu cầu để sàng lọc, đánh giá ứng viên, một số thái độ, kỹ năng, kiến thức là bắt buộc phải có.
Ví dụ, ở vị trí nhân viên nhân sự:
- Thái độ: Cởi mở, hòa đồng, chủ động để làm việc tốt với con người.
- Kỹ năng: Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, sử dụng máy tính.
- Kiến thức: Hiểu biết những kiến thức chuyên ngành về nhân sự như tuyển dụng, lương và phúc lợi, luật lao động,...
2. Nếu ASK là bắt buộc, những lợi thế mà người tìm việc nên có là sự tò mò, ham học hỏi, trau dồi điều mới để vận dụng cải tiến cho công việc
Đặc biệt, rất nhiều công việc không được mô tả đầy đủ ngay từ ban đầu và có nhiều phát sinh không lường trước, sự thay đổi của công nghệ, kiến thức cũng rất nhanh chóng, cần được cập nhật liên tục.
3. Tâm huyết và trách nhiệm với công việc
Đó chính là động lực để những người tìm việc và người lao động nói chung tìm kiếm được cơ hội tốt và phát triển mạnh trong lĩnh vực của họ. Có tâm huyết, trách nhiệm sẽ luôn có nhiều câu hỏi tại sao, những băn khoăn, suy nghĩ để tìm giải pháp cho khó khăn trong công việc.
Chị Jane Nguyễn cũng có lời khuyên cho sinh viên mới ra trường hay những bạn trẻ để không bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường:
1. Biến mình thành “chuyên gia”
Trong thời kỳ khủng hoảng hiện tại, phần lớn doanh nghiệp đều lựa chọn cắt giảm nhân sự và chọn giữ lại những người có giá trị nhất, có năng lực phù hợp nhất với công việc. Vì vậy, hãy xác định rõ mình giỏi ở đâu và đầu tư vào nó, biến mình thành chuyên gia.
2. Xây dựng bộ skillset hiếm có
Hãy dành những khoảng thời gian trống để sắm cho mình bộ kỹ năng thật “ngầu” như thuyết trình, viết content, tổ chức sự kiện,... Người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa “đa zi năng” sẽ khó bị thay thế.
3. Tự tạo cơ hội cho bản thân
Trong một năm đầy cạnh tranh, mọi người đều phải sáng tạo hơn để tự tạo ra cơ hội cho chính mình.
Đối với người đang làm một công việc, theo chị Jane, có 2 cách để tạo thêm giá trị cho mình trong tổ chức:
- Nâng cao chuyên môn lên một nấc nữa, nhận thêm việc, một mình làm bằng nhiều người.
- Có thêm bộ skillset khác để đảm nhận thêm việc.
“2023 có thể là một năm thị trường không quá sôi động và nhiều hào hứng, nhưng cùng với đó, cũng sẽ có những điều bất ngờ và thú vị chờ đợi. Hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những cú ‘lội ngược dòng’, như cách một số ngành nghề đã làm được thời Covid-19”, chị Jane kết luận.