Theo báo cáo các phương pháp bồi thường tốt nhất năm 2023 của Payscale, doanh thu tự nguyện của các doanh nghiệp đã giảm xuống 25% vào năm 2022 (năm 2021 là 36%). Nguyên nhân có thể là mọi người lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế và tình trạng sa thải nhân viên.
Báo cáo trên đã khảo sát gần 5.000 chuyên gia bồi thường, lãnh đạo nhân sự và giám đốc điều hành doanh nghiệp từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022.
Các chuyên gia của Payscale cho biết tình trạng nghỉ việc "chậm lại" là tín hiệu đáng hoan nghênh đối với những nhà tuyển dụng đang tranh giành nhân sự và giữ chân nhân tài trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau Covid-19.
Theo báo cáo của Payscale, hầu hết nhà tuyển dụng cho rằng tiền lương là lý do lớn nhất khiến mọi người nghỉ việc, đặc biệt trong môi trường lạm phát, kéo theo đó là cơ hội thăng tiến hạn chế.
Các nhà tuyển dụng đang hy vọng việc tăng một ít tiền lương sẽ lôi kéo người lao động ở lại. 56% nhà tuyển dụng nói rằng họ đang lên kế hoạch tăng ít nhất 3% lương trong năm nay.
Lexi Clarke, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Payscale, cho rằng thời của những mức tăng lương cao ngất ngưởng đã qua. Cụ thể, mức tăng lương dự kiến trong năm 2023 là vào khoảng 4-5%, trong khi hầu hết mức tăng vào năm 2022 đều trên 5%. Những khoản tăng theo kế hoạch này sẽ không giúp ích gì nhiều trong việc chống lại lạm phát, hiện ở mức 6,4% vào tháng 1.
Làn sóng "âm thầm nghỉ việc" có thể trở nên tồi tệ hơn
Trang CNBC Make It nhận định những khoản tăng lương "ít ỏi" nêu trên có thể không đủ để ngăn mọi người "âm thầm nghỉ việc".
Theo Payscale, 55% nhà tuyển dụng không quan tâm đến làn sóng "âm thầm nghỉ việc". 29% các nhà lãnh đạo nói rằng những nhân viên không nỗ lực hết mình sẽ không thành công và có nguy cơ bị sa thải nếu họ bị phát hiện là làm việc kém hiệu quả.
Bà Clarke cho biết các nhà tuyển dụng cần xem xét hiện tượng "âm thầm nghỉ việc" một cách nghiêm túc hơn, đặc biệt trong thị trường lao động liên tục có nhiều thách thức - nếu họ không thể tăng lương và mở rộng cơ hội thăng tiến, hoặc họ đang chuẩn bị sa thải nhân viên.
"Tôi không nghĩ làn sóng 'âm thầm nghỉ việc' sẽ biến mất vào năm 2023, khi chúng ta đang ở trong một môi trường suy thoái khiến nhiều người bị sa thải. Người lao động bị cho nghỉ việc sẽ làm tăng tình trạng kiệt sức hoặc gánh nặng tiềm ẩn đối với những người vẫn còn làm việc ở công ty. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức và sinh ra sự oán giận, đặc biệt nếu chúng ta nghĩ về một môi trường không có tăng lương hay thăng chức", bà Clarke nói.
Bà Clarke cho rằng các nhà tuyển dụng nên nghĩ về làn sóng "âm thầm nghỉ việc" như sự phản ánh về tính gắn kết giữa nhân viên và công việc.
Đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường chăm sóc sức khỏe cho nhân viên
Ngoài vấn đề tăng lương hoặc trong trường hợp không tăng lương nhiều, theo CNBC Make It các công ty đang cố gắng duy trì lợi ích hàng đầu để giữ chân và thu hút người lao động.
Cụ thể, các doanh nghiệp đang đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường các chương trình chăm sóc sức khỏe và sức khỏe tâm thần, nghỉ phép có lương và nghỉ phép gia đình kéo dài.
Họ cũng đang cố gắng thúc đẩy các ranh giới mới xung quanh tính linh hoạt ở nơi làm việc. Theo báo cáo, vào năm 2022, tỷ lệ các công ty cung cấp phúc lợi tuần làm việc 4 ngày lần đầu tiên đạt ngưỡng 10%.
"Các nhân viên đang tìm kiếm sự linh hoạt và một mức lợi nhuận nào đó ở công ty khi mức tăng lương thực tế ít dần và thấy mình phải làm việc nhiều giờ hơn", nhà phân tích Susan Thomas của Payscale nói.