Thị trường chứng khoán ghi nhận hồi phục sau một nhịp điều chỉnh ngắn. Chỉ số VN-Index bật tăng trở lại nhờ dòng tiền bắt đáy gia nhập thị trường. Các cổ phiếu trụ thay nhau dẫn dắt chỉ số giúp VN-Index đóng cửa tại mốc 1.129,4 điểm, tương ứng tăng 1,3%, đây cũng là mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua.
Thị trường đang trả hơi nhiều cho kỳ vọng trung và dài hạn
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC đánh giá tâm lý hưng phấn đang thể hiện rõ, nhưng sức mạnh vượt cản của VN-Index không còn ấn tượng như trước. Nguyên nhân không chỉ bởi sự chuyển dịch của dòng tiền mà còn do chỉ số liên tục mở gap cùng mức thanh khoản giảm dần. Thực tế, diễn biến bứt phá trong tháng qua của VN-Index cùng mức thanh khoản bùng nổ không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào một sóng tăng trưởng mới. Có thể thấy, yếu tố tích cực nhất trong ngắn hạn có lẽ là yếu tố tâm lý khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng tự tin hơn.
Tuy nhiên, quan trọng nhất, theo ông Đạt, là cơ hội giao dịch trên thị trường đang thu hẹp dần với số lượng cổ phiếu nằm trong xu hướng tăng trung hạn đã lên tới 83%. Chỉ số có thể tiếp tục đà vượt đỉnh nhưng với đà tăng ngày càng phân hóa, hoặc xuất hiện nhịp điều chỉnh trong tuần tới sẽ giúp thị trường duy trì trạng thái lành mạnh hơn và mở ra nhiều cơ hội giao dịch hơn.
Nhìn lại quá khứ, khi dòng tiền đầu cơ vận động mạnh, sự xuất hiện của những thông tin về xử lý thao túng cổ phiếu đều có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Do đó nhà đầu tư vẫn nên lưu ý điều chỉnh tỷ trọng ở các nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao và đã tăng nóng trong 1-2 tháng qua.
Đặc biệt, về tình hình vĩ mô, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế là chưa có, thậm chí còn nhiều dấu hiệu suy yếu. Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu PMI tháng 5. Chính sách tiền tệ, tài khóa đã có những động thái hỗ trợ nền kinh tế nhưng chưa thể có hiệu quả ngay mà cần thời gian (ít nhất 4-6 tháng) để thẩm thấu. Ông Đạt dự báo GDP Việt Nam trong quý 2 sẽ ở mức 5,5%, hướng đến kịch bản tăng trưởng 6% trong năm 2023, cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế có thể chậm hơn kỳ vọng.
“Thị trường có vẻ đang trả hơi nhiều cho những kỳ vọng của tương lai trung - dài hạn”, vị chuyên gia tới từ DSC đánh giá.
Xét tới các nhóm ngành, nhóm bán lẻ nói chung và bán lẻ không thiết yếu nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19 trong năm 2022 và sự sụt giảm lớn về nhu cầu tiêu dùng kéo dài tới tận đầu năm 2023. Tuy nhiên với việc kiểm soát chi phí doanh nghiệp và các chính sách kích cầu sắp tới từ Chính phủ, ngành bán lẻ được kỳ vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023. Mặc dù sức mua của người dân còn yếu song DSC cho rằng những gì tồi tệ nhất của ngành bán lẻ cũng đã qua và kỳ vọng càng về cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục trở lại mạnh mẽ hơn.
Thị trường đang để ngỏ cơ hội vượt vùng đỉnh cũ
Theo ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam, việc VN-Index giữ vững ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.09x điểm sau nhịp điều chỉnh đầu tuần đang để ngỏ cơ hội vượt vùng đỉnh cũ. Ngưỡng kháng cự mạnh của chỉ số đã được đẩy lên quanh vùng 1.04x điểm và chỉ khi VN-Index lên đến vùng này thì rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh mới thực sự đáng lưu ý.
Về những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán được đưa ra điều tra xử lý, ông Công cho rằng sẽ có những tác động tiêu cực đến thị trường nói chung và cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến vi phạm nói riêng. Tuy nhiên, tác động sẽ chỉ mang tính cục bộ do việc xử lý vi phạm đã diễn ra từ giữa năm 2022 và các nhà đầu tư cũng đã có sự chuẩn bị từ trước. Việc dòng tiền tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu này và luân chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với tính an toàn cao hơn có thể là một tín hiệu tích cực giúp đưa thị trường đi lên trong tuần sau.
Xét tới yếu tố vĩ mô, chuyên gia từ KBSV cho rằng số liệu tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam được công bố vào thứ 5 tới sẽ khó có sự bứt phá so với kỳ vọng của thị trường chung (hiện đang ở mức 3,5%). Mức độ tác động của thông tin này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc số liệu tăng trưởng sẽ thấp/cao hơn bao nhiêu so với mức đã được dự báo và liệu nền kinh tế đã đi qua vùng đáy tăng trưởng hay chưa.
Với những rủi ro cũng như cơ hội đã đánh giá ở trên, các nhà đầu tư nên chú ý đến các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 đang ở sát nền và chưa tăng quá mạnh như VNM, BVH, MSN, GAS... Bên cạnh đó, để hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra trong năm nay, việc đẩy mạnh chi tiêu chính phủ thông qua giải ngân đầu tư công sẽ là một động lực không thể thiếu. Do đó, đây sẽ là chủ đề đầu tư xuyên suốt cho cả năm 2023 và các nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng của mình đối với các cổ phiếu đầu tư công trong các nhịp điều chỉnh về lại hỗ trợ.
Cần giữ đầu "tỉnh táo" và hạn chế mua đuổi cổ phiếu tại vùng giá cao
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, sau một tuần tăng điểm khá tích cực, chỉ số chính đã thiết lập mức cao mới từ đầu năm 2023. Đà tăng của thị trường đi kèm với thanh khoản cải thiện, dòng tiền nội tiếp tục có xu hướng đổ vào thị trường trong bối cảnh một loạt ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất tiền gửi tuần vừa qua.
Ông Hinh đánh giá xu hướng hiện tại của thị trường vẫn khá tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên hưng phấn “thái quá” và cần giữ cái đầu “tỉnh táo” khi thị trường đã có một nhịp tăng mạnh gần 100 điểm trong vòng một tháng vừa qua.
"Nhà đầu tư nên lưu ý rằng, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn và thu nhập thị trường vẫn chưa xác lập điểm đảo chiều", ông Hinh nhấn mạnh.
Đồng thời ngay tuần tới, thị trường sẽ đón nhận thông tin vĩ mô quan trọng là số liệu tăng trưởng GDP quý 2/2023 của Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng số liệu tăng trưởng GDP quý 2 sẽ vẫn kém khả quan do thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như tình trạng cắt điện luân phiên. Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 với bức tranh chung vẫn nhiều gam màu xám. Lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục giảm trong quý 2 và kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng lên.
Do đó, vị chuyên gia tới từ VNDirect cho rằng hành động hợp lý trong lúc này là hạn chế mua đuổi cổ phiếu tại vùng giá cao để đề phòng những cú đảo chiều đột ngột của thị trường nếu có những thông tin bất lợi xuất hiện. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, nên hạ bớt margin để kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư.